Dự báo năm 2021: Các công ty quản lý quỹ sẽ mua gì?

07:55' - 16/01/2021
BNEWS Dự báo năm 2021: Các công ty quản lý quỹ sẽ mua gì?

Bán USD, mua các tài sản ở các thị trường mới nổi và tiếp tục đầu tư bền vững là những xu hướng mà các ngân hàng đầu tư và các công ty quản lý tài sản cùng cho rằng sẽ nổi trội trên các thị trường tài chính năm 2021.

Nhờ có ngừa vaccine ngừa COVID-19, năm 2021 sẽ là năm phục hồi kinh tế sau đại dịch, với một số lĩnh vực có thể gặp khó khăn và những lĩnh vực khác có thể mạnh thêm.

Sức mạnh của đồng USD đang giảm sút

Đại dịch COVID-19 đã kết thúc một thập kỷ lên giá của đồng USD và năm 2021 có thể đưa đến nhiều yếu tố bất lợi hơn cho đồng tiền này.

Khảo sát các nhà đầu tư tháng 12/2020 của Bank of America (BofA) cho thấy bán USD là giao dịch nhiều thứ hai.

Số liệu của Ủy ban giao dịch hàng hóa kỳ hạn Mỹ cho thấy 30 tỷ USD đã bị bán ròng, trong khi 17 tỷ USD được mua ròng vào tháng 12/2020.

Giám đốc đầu tư của Aviva Investors, Peter Fitzgerald, cho rằng nguyên nhân là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất xuống gần 0%, khiến những lợi thế có được nhờ lãi suất trái phiếu của đồng USD được sang cho các đồng tiền khác. Và Fed vẫn có thể nới lỏng chính sách.

Hồi tháng 3/2020, Fed đã công bố chương trình nới lỏng định lượng không thời hạn và không hạn chế, hạ lãi suất khẩn cấp tại hai cuộc họp với mức hạ tổng cộng 150 điểm cơ bản, trong nỗ lực kích thích nền kinh tế chịu tác động của đại dịch. Những động thái quyết liệt như vậy đã khiến đồng USD lao dốc.

Việc Tổng thống Donald Trump sắp kết thúc nhiệm kỳ cũng sẽ làm giảm những căng thẳng thương mại và chính trị, những yếu tố đã hỗ trợ cho đồng USD.

Về khả năng đồng USD giảm mạnh đến đâu và kéo dài bao lâu, các nhà phân tích tham gia khảo sát của Reuters dự báo sẽ đến giữa năm 2021, do diễn biến dịch COVID-19 khó đoán.

Tuy nhiên, công ty quản lý tài sản PIMCO nhấn mạnh rằng những lần giảm giá mạnh nhất của đồng USD là sau các cuộc suy thoái sâu, với năm lần giảm 8-10% trong một năm trong giai đoạn 2003-2018.

PIMCO dự áo việc vaccine được triển khai và sự phục hồi của các nền kinh tế sẽ đẩy nhanh tốc độ xuống giá của đồng USD. Đồng USD xuống giá khi cuộc sống trở lại bình thường hậu COVID.

J.P. Morgan Asset Management nhận định sức hấp dẫn của các tài sản tài chính của Mỹ bắt đầu giảm đi và trong 10 - 15 năm tới, đồng USD sẽ vẫn yếu.

Các tài sản tại các thị trường mới nổi lại hấp dẫn

Khi các nền kinh tế đang phát triển được hưởng lợi từ sự phục hồi thương mại, du lịch và giá hàng hóa toàn cầu, đồng USD yếu hơn và các động thái của Mỹ dễ dự đoán hơn, thông điệp mà Morgan Stanley đưa ra là hãy mua các tài sản tại các thị trường mới nổi (EM).

Morgan Stanley khuyến nghị mua các đồng tiền của Trung Quốc, Mexico, Brazil, Nam Phi và Nga, cùng với trái phiếu của Ukraine và công ty dầu mỏ Pemex của Mexico.

Các ngân hàng đối thủ là Goldman Sachs và JPMorgan cũng đang ủng hộ EM trong năm 2021, với khảo sát của BofA cho thấy đây là khu vực được ưu tiên.

BofA nhận định trái phiếu bằng các đồng tiền của các thị trường mới nổi sẽ mang lại cho các nhà đầu tư lợi nhuận 6,2% trong năm tới.

Lòng tin đang hướng tới một thị trường đã giảm sút trong một thập kỷ này chủ yếu đến từ những hy vọng về đà phục hồi tăng trưởng mà Trung Quốc dẫn đầu cũng như sức hấp dẫn từ mức lãi suất cao hơn, khi lãi suất tại các nước giàu là 0% hoặc âm.

Số liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho thấy các nhà đầu tư đang đổ tiền vào các tài sản ở EM với tốc độ nhanh nhất trong gần một thập kỷ.

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố gây lo ngại. Citigroup cho rằng lãi suất trái phiếu tăng có thể khiến các thị trường chứng khoán và đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi tụt dốc như năm 2013.

Các nhà đầu tư đã tìm đến các thị trường mới nổi sau buộc bầu cử tổng thống tại Mỹ và bước đột phá trong nghiên cứu vaccine, với một con số kỷ lục là 76,5 tỷ USD đã chảy vào EM.

Kỳ vọng vào các ngân hàng trung ương

Hầu hết các dự báo đều xoay quanh quan điểm cho rằng Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tức ngân hàng trung ương) sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

BofA ước tính các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã chi 1,3 tỷ USD/giờ kể từ tháng Ba cho việc mua tài sản. Có 190 lần hạ lãi suất trong năm 2020, tức là cứ năm ngày giao dịch lại có gần bốn lần hạ lãi suất.

Tuy nhiên, với GDP toàn cầu được dự báo tăng trưởng 5,4% trong năm tới, mạnh nhất kể từ năm 1973, các ngân hàng trung ương sẽ khó có thể nới lỏng chính sách tiền tệ thêm nữa, nhất là khi lạm phát tăng.

Khi không còn nhiều dư địa về chính sách cho các ngân hàng trung ương. JPMorgan ước tính trên 80% lượng trái phiếu chính phủ của các nước giàu có lãi suất âm nếu tính đến lạm phát. Nhiều nhà đầu tư như BlackRock đang xem nhẹ vấn đề này.

Dù vậy, nhà chiến lược của Pictet, Steve Donze, ước tính tổng giá trị số tài sản mà năm ngân hàng trung ương lớn nói trên sẽ mua đạt tổng 3.000 tỷ USD, giảm so với mức 8.000 tỷ USD trong năm nay nhưng đủ để duy trì lãi suất trái phiếu ở mức rất thấp.

Các tài sản bền vững "hút" tiền đầu tư

Giá trị tài sản của các quỹ đầu tư đáp ứng các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã tăng gấp đôi trong năm qua lên trên 1.300 tỷ USD và IIF dự báo tốc độ sẽ nhanh hơn trong năm 2021, nhất là khi Tổng thống đắc cử của Mỹ, Joe Biden, thực hiện chương trình nghị sự bảo vệ môi trường.

Những lo ngại về ô nhiễm, biến đổi khí hậu và quyền của người lao động là những động lực chính. Tuy nhiên, IIF cũng chỉ ra rằng 80% các chỉ số chứng khoán của các quỹ tuân thủ các tiêu chí ESG vượt các chỉ số của các quỹ không tuân thủ ESG trong các đợt bán tháo do đại dịch, trong khi năng lượng tái tạo đã mang lại lợi nhuận cao hơn các lĩnh vực khác kể từ đó.

BlackRock dự báo dòng đầu tư sẽ liên tục chảy vào các tài sản bền vững trong quá trình chuyển đổi dài hạn hướng tới một thế giới ít ô nhiễm hơn.

2/3 số quỹ ESG là về chứng khoán, nhưng giá trị trái phiếu "xanh" tăng 20% trong năm 2020, lên hơn 620 tỷ USD.

Các chính phủ đang đẩy mạnh phát hành trái phiếu xanh, trong khi các ngân hàng trung ương quan tâm nhiều hơn đến việc mua các trái phiếu này và đảo ngược các chiến lược.

Chính sách công nghệ dưới thời ông Biden có thể vẫn quyết liệt

Nhiều chiến lược đầu tư được xây dựng dựa trên chính sách rất khác về thương mại và địa chính trị dưới thời ông Biden.

Ông đã cam kết rằng Mỹ sẽ một lần nữa sẵn sàng đảm nhiệm vai trò dẫn đầu trên trường quốc tế.

Trong một số lĩnh vực như dữ liệu lớn, 5G, trí tuệ nhân tạo, xe điện, robot và tấn công mạng, các chính sách của ông Biden có thể vẫn quyết liệt như thời ông Trump.

Điều này có thể đẩy nhanh điều được gọi là sự chia nhỏ Internet, với các hệ thống công nghệ kép hay đa hệ thống.

Các công ty công nghệ và thương mại điện tử chiếm gần 1/4 lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ, trong khi các công ty công nghệ chiếm 40% chỉ số chứng khoán MSCI của các thị trường mới nổi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục