Du lịch y tế của Malaysia phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch

05:30' - 29/12/2022
BNEWS Lĩnh vực du lịch y tế của Malaysia, vốn bị ảnh hưởng nặng nề từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ khi quốc gia Đông Nam Á này bước vào năm 2023.

Lĩnh vực du lịch y tế của Malaysia, vốn bị ảnh hưởng nặng nề từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ khi quốc gia Đông Nam Á này bước vào năm 2023 với động lực đến từ Kế hoạch chi tiết ngành du lịch y tế giai đoạn 2021-2025.

Malaysia đã xây dựng được danh tiếng như một điểm đến an toàn và đáng tin cậy về chăm sóc sức khỏe trong hơn 10 năm qua khi đã đón tiếp nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới thăm khám kết hợp du lịch.

Trong giai đoạn tiếp theo, phân khúc này sẽ tiếp tục tập trung vào các dịch vụ điều trị như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tim mạch, ung bướu, chỉnh hình, thần kinh, nha khoa, thẩm mỹ và tầm soát sức khỏe tổng quát, đồng thời khai thác toàn bộ tiềm năng của lĩnh vực y tế Malaysia, bao gồm điều trị dự phòng và chăm sóc sức khỏe.

* Kế hoạch chi tiết 5 năm

Theo Giám đốc điều hành (CEO) của Hội đồng du lịch y tế Malaysia (MHTC) Daud Arif, trong giai đoạn phục hồi, hệ sinh thái du lịch y tế đang được chú trọng hơn như các biện pháp sẵn sàng để ngành phục hồi và chuyển sang giai đoạn tái kiến thiết, xây dựng lại.

Ông cho hay, quốc gia Đông Nam Á hiện đang có vị trí vững chắc để bắt tay vào giai đoạn tiếp theo của Kế hoạch chi tiết ngành du lịch y tế trong năm 2023 với mục tiêu tái xây dựng, phục hồi ngành cũng như tăng cường cung cấp dịch vụ mang lại trải nghiệm liền mạch cho tất cả du khách tham quan du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe.

Ông Daud Arif cho biết, với định hướng được đưa ra trong Kế hoạch chi tiết phát triển lĩnh vực du lịch y tế giai đoạn 2021-2025, ngành công nghiệp kết hợp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Malaysia đang trên đà phát triển liên tục và bền vững, tập trung vào việc cung cấp "Trải nghiệm du lịch y tế tốt nhất tại Malaysia" dựa trên ba trụ cột chính. Cụ thể, trụ cột thứ nhất là Hệ sinh thái du lịch y tế, tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm chăm sóc.

Thứ hai, Thương hiệu chăm sóc sức khỏe Malaysia nhằm tăng cường sự gắn kết thương hiệu trên các điểm tiếp xúc chính và khuếch đại giá trị thương hiệu tại các thị trường cốt lõi. Thứ ba là mở rộng thị trường khi Malaysia đang nỗ lực phát triển vượt ra ngoài các thị trường sơ cấp và khám phá thêm các thị trường thứ cấp nhằm tăng cường sự hiện diện của mình.

Quan chức này cũng chia sẻ, MHTC sẽ tăng cường ba trụ cột thông qua hợp tác với các bên liên quan tại Malaysia, khu vực và toàn cầu để tạo ra giá trị cho toàn ngành.

Trong đó, giai đoạn tái xây dựng sẽ tập trung vào cả phương pháp điều trị chữa bệnh và phòng ngừa, đồng thời triển khai một số sáng kiến xây dựng thương hiệu thích hợp như tim mạch, ung thư, khả năng sinh sản và điều trị nha khoa bên cạnh các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cao cấp, mời khách du lịch chăm sóc sức khỏe đến trải nghiệm và khám phá lại dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất ở Malaysia.

* Điểm đến du lịch y tế hàng đầu

Hiện Malaysia được đánh giá là một trong những điểm đến du lịch y tế hàng đầu ở châu Á cùng với Ấn Độ, Thái Lan, Singapore và Hàn Quốc. Theo Tiến sỹ Kuljit Singh, Chủ tịch Hiệp hội các bệnh viện tư nhân Malaysia (APHM), nước này là một trong những quốc gia tốt nhất ở Đông Nam Á về chi phí và tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe cao.

Nhất trí với nhận định này, ông Daud chia sẻ, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Malaysia đã được quốc tế công nhận, giành được nhiều giải thưởng toàn cầu trong những năm qua. Tạp chí Du lịch Y tế Quốc tế (IMTJ) đã vinh danh quốc gia Đông Nam Á cho hạng mục “Điểm đến của năm” vào các năm 2015, 2016, 2017 và 2020. Malaysia cũng đạt được giải thưởng Du lịch Y tế và Chăm sóc sức khỏe châu Á-Thái Bình Dương (2016-2022) và được bình chọn là điểm đến hàng đầu của châu Á cho cuộc sống hưu trí (2015-2022).

Vị CEO này cho biết, Malaysia đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về doanh thu du lịch y tế từ 1,7 tỷ RM (khoảng 384 triệu USD) vào năm 2019 xuống còn 777 triệu RM (khoảng 175 triệu USD) và 585 triệu RM (khoảng 132 triệu USD) vào năm 2020 và 2021 do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, phản ứng nhanh chóng của lĩnh vực này đối với đại dịch đã mang lại những kết quả khả quan. Theo ông Daud, dựa rất nhiều vào quan hệ đối tác công tư (PPP), thành công của Malaysia là nỗ lực của toàn ngành khi đã xây dựng một hệ sinh thái vững chắc, tiếp tục định vị Malaysia là một điểm đến an toàn và đáng tin cậy cho khách du lịch y tế giai đoạn hậu đại dịch.

Sau khi mở cửa biên giới vào tháng Tư năm nay, du lịch y tế đã chứng kiến sự gia tăng đáng khích lệ về số lượng khách du lịch y tế đến. Tính đến quý 3/2022, lĩnh vực này đã ghi nhận doanh thu 726 triệu RM (164 triệu USD), giúp Malaysia tiến gần hơn đến mục tiêu đạt được 1 tỷ RM vào năm 2022 (226 tỷ USD). Theo ông Daud, điều này cho thấy sự tin tưởng của khách du lịch có nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế đối với quốc gia Đông Nam Á như một điểm đến du lịch y tế an toàn và đáng tin cậy, cũng như sự phục hồi và tăng trưởng tích cực của lĩnh vực này.

* Khám phá những lĩnh vực mới

Người đứng đầu MHTC cho biết sẽ tận dụng nhu cầu về các phương pháp điều trị thích hợp và thành tích xuất sắc của mình nhằm đạt được mục tiêu tiếp tục phát triển các dịch vụ hiện có, nâng cao trải nghiệm Chăm sóc sức khỏe tại Malaysia thông qua các sáng kiến xây dựng thương hiệu thích hợp, bao gồm chăm sóc sức khỏe và chăm sóc sức khỏe phòng ngừa.

Trong những năm gần đây, người dân ngày càng chú trọng và ưu tiên chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần của mình. CEO Daud Arif chia sẻ, đáp ứng xu hướng này, MHTC đã giới thiệu Chương trình chăm sóc sức khỏe cao cấp với sự hợp tác toàn ngành cùng các bệnh viện tư nhân, khách sạn và công ty du lịch hàng đầu Malaysia nhằm tích hợp các dịch vụ y tế toàn diện, chỗ ở đẳng cấp cùng các tour du lịch giải trí trong một gói cao cấp toàn diện, thuận tiện cho khách du lịch y tế. Theo ông, với chương trình này, MHTC mong muốn trao quyền cho người dân toàn cầu bằng cách truyền cảm hứng cho lối sống lành mạnh hơn thông qua các dịch vụ kiểm tra sức khỏe nâng cao, với các tùy chọn bổ sung cho thẩm mỹ nha khoa, quy trình thẩm mỹ cũng như kiểm tra và điều trị tập trung cho Viêm gan C, ung thư và bệnh liên quan đến tim.

Ngành du lịch y tế Malaysia đã xác định Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh và Myanmar là những thị trường trọng yếu dựa trên lượng khách du lịch y tế cũng như tiềm năng tăng trưởng của từng thị trường. Ngoài ra, Hong Kong, Campuchia, Việt Nam, Singapore và Australia cũng nằm trong kế hoạch tăng cường, mở rộng thị trường của MHTC.

Ông Daud Arif cho hay hiện tại Indonesia đại diện cho một trong những thị trường trọng điểm của ngành du lịch y tế Malaysia với du khách đến từ Jakarta, Surabaya và Medan chiếm đa số nhằm bổ sung cho các dịch vụ chăm sóc y tế tại nước mình. Trong đó, Penang và Melaka là những điểm du lịch y tế hấp dẫn đối với du khách Indonesia với hơn 70% tổng lượng khách đến.

Xét về lượng du khách tính theo nguồn gốc, Malaysia tiếp tục thu hút khách du lịch y tế từ nhiều quốc gia, không chỉ trong khu vực. Trong thập kỷ qua, xetst theo số lượng du khách ghé thăm Malaysia, Australia, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Anh và Mỹ là những quốc gia hàng đầu.

* Sẵn sàng cho tăng trưởng tích cực

Ông Zahri Abd Ghani, CEO của Trung tâm y tế MSU (MSUMC) cho biết, sự tăng trưởng lĩnh vực du lịch y tế sau đại dịch đã mang lại tác động lan tỏa tích cực cho trung tâm này.

Với triển vọng tích cực, vị CEO đã cam kết làm mới sứ mệnh “Chăm sóc, Chữa bệnh, Giáo dục” thông qua cung cấp các dịch vụ chất lượng, dễ tiếp cận và giá cả phải chăng cho khách hàng dựa trên kế hoạch phục hồi của MHTC.

MSUMC bắt đầu hoạt động vào tháng 1/2019, cung cấp các dịch vụ điều trị như phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật thẩm mỹ và tái tạo, chỉnh hình, tim mạch, thận, liệu pháp oxy cao áp và nhãn khoa. Về tổng thể, phân khúc dành cho bệnh nhân nước ngoài tại MSUMC bao gồm các gói khám sức khỏe như gói sàng lọc não và xương sống, phẫu thuật chỉnh hình, thẩm mỹ và tái tạo, phẫu thuật tổng quát, thận, phẫu thuật thần kinh và tim mạch.

Theo Zahri, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đẳng cấp thế giới được cung cấp bởi các bệnh viện tại Malaysia như MSUMC sẽ là chìa khóa mở ra cơ hội cho du lịch y tế. Quốc gia Đông Nam Á này đã nổi lên như một trong những điểm đến ưa thích của khách du lịch y tế nhờ các lựa chọn điều trị y tế chuyên môn cao, chi phí hợp lý và sự thoải mái cho bệnh nhân cùng với các chuyên gia y tế giàu kinh nghiệm được trang bị đầy đủ cả về chuyên môn và cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân.

CEO của MSUMC bày tỏ sự lạc quan về việc Malaysia được công nhận là một trong những điểm đến du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe tốt nhất thế giới, đánh giá đây là một tín hiệu tốt cho lĩnh vực du lịch y tế vốn đang trên quỹ đạo tích cực với nhiều cơ hội phát triển, đồng thời trực tiếp thúc đẩy nhu cầu về nguồn nhân lực lành nghề và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn.

* Phục hồi Du lịch y tế: Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế và hỗ trợ từ cơ quan chức năng

Akmal Adanan, giảng viên cao cấp của Khoa Quản lý Du lịch và Khách sạn, Đại học Kỹ thuật MARA (UiTM), phân nhánh Melaka khuyến nghị các nhà cung cấp dịch vụ du lịch y tế cần chú trọng đến các khía cạnh an toàn và sức khỏe dựa trên các hướng dẫn đã đặt ra của chính quyền, đồng thời lưu ý cần áp đặt tiêu chuẩn quốc tế trong các hoạt động quản lý du lịch y tế tại Malaysia, qua đó tạo dựng và củng cố niềm tin của du khách.

Theo chuyên gia này, các doanh nghiệp nên sẵn sàng cung cấp các gói dịch vụ linh hoạt, hợp lý và đa dạng bên cạnh việc chủ động thực hiện các bước tiếp nhận công nghệ mới nhất, chẳng hạn như điều chỉnh các ứng dụng Học máy (ML) và Trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong đó, hệ thống "Chatbot" có sẵn trong ML cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tương tác trực tuyến với khách hàng của mình trong vòng 24 giờ để giải đáp các thắc mắc khác nhau, bao gồm cả việc đưa ra lịch trình điều trị hiệu quả.

Cùng với đó, Akmal chia sẻ, các cơ quan quản lý bệnh viện và nhà cung cấp dịch vụ nên tối đa hóa các hoạt động quảng bá dịch vụ của mình, đặc biệt là trên nền tảng truyền thông xã hội. Nội dung quảng bá nên sáng tạo hơn, tập trung vào phương pháp tiếp thị bán hàng nhẹ nhàng như các video ngắn cung cấp thông tin cũng như lời khuyên hữu ích về sức khỏe, đồng thời quảng bá cơ sở vật chất, chuyên môn của bác sĩ và các dịch vụ đặc biệt được cung cấp.

Một trong những nhân tố quan trọng khác đó là cần tăng cường phối hợp giữa Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa, Bộ Y tế và MHTC để đảm bảo ngành du lịch y tế cung cấp dịch vụ chất lượng và tiếp tục thu hút thêm nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Các cơ quan chức năng nên xem xét đưa ra các ưu đãi tài chính nhằm tăng cường khả năng phục hồi của ngành du lịch y tế như trao các khoản tài trợ, trợ cấp, tài trợ và khấu trừ hoặc miễn thuế bên cạnh các chính sách, quy tắc và thủ tục thân thiện với khách du lịch như đơn giản hóa tiến trình cấp thị thực nhập cảnh.

Vị giảng viên đại học này cũng đề cao vai trò của các chương trình giáo dục, đào tạo và các khóa phát triển chuyên môn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch y tế, qua đó giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Chuyên gia này kết luận, ngành du lịch đã trải qua sự sụt giảm đáng kể về lượng khách du lịch, thu nhập do đại dịch COVID-19 bùng phát và sẽ phải mất một thời gian dài trước khi có thể phục hồi về mức trước đại dịch. Tuy nhiên, lĩnh vực du lịch y tế tại Malaysia đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng tích cực trong năm tới do nhu cầu về các dịch vụ y tế chất lượng luôn được đáp ứng, đặc biệt là đối với khách du lịch từ các nước láng giềng Indonesia và Singapore cũng như Trung Quốc.

Ông cũng lưu ý, bên cạnh nhiều danh lam thắng cảnh và địa điểm hấp dẫn để du khách nghỉ dưỡng, đội ngũ bác sỹ được đào tạo bài bản cũng như chi phí điều trị cạnh tranh cũng là một điểm thu hút lớn đối với khách du lịch y tế đến Malaysia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục