Xung đột Nga-Ukraine gây áp lực lên ngành điện Malaysia

05:30' - 16/12/2022
BNEWS Hiệu ứng domino của giá nhiên liệu tăng do căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine, cùng với bất ổn về cung cầu, đã ảnh hưởng đến giá than và gây áp lực lên ngành sản xuất điện ở Malaysia và toàn cầu.
Hiệu ứng domino của giá nhiên liệu tăng vọt do căng thẳng địa chính trị giữa Ukraine và Nga, cùng với bất ổn về cung cầu, đã ảnh hưởng đến giá than và gây áp lực lớn lên ngành sản xuất điện ở Malaysia và toàn cầu.

Trong suốt năm 2022, biểu giá than chuẩn Newcastle Coal Futures đã vượt mức 440 USD/tấn vào ngày 2/3 sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2. Giá khoáng sản này sau đó biến động và chạm mức cao kỷ lục 457,80 USD/tấn ngày 5/9 do nhu cầu than tăng vọt nhưng sản lượng từ châu Âu và Trung Quốc lại giảm. Giá than trung bình 209,7 USD/tấn trong tháng 1-9/2022, và mức giá cao này kéo theo chi phí phát điện tăng, tác động trực tiếp đến biểu giá điện, do than chiếm gần 60% nguồn phát điện.

Tuy nhiên, ở Malaysia, người tiêu dùng và thương nhân thoát khỏi áp lực về giá nhờ trợ cấp. Biểu giá hiện tại, được thực hiện vào ngày 1/1/2014 theo cơ chế Quy định dựa trên ưu đãi (IBR), vẫn ở mức 39,45 xu RM/KWh (8,93 xu Mỹ). Trong khi đó, người dùng nước ngoài trong các lĩnh vực thương mại và công nghiệp đã bị áp dụng mức phụ phí 3,7 xu RM/KWh.

Chính phủ Malaysia đang sử dụng ngân sách từ Kumpulan Wang Industri Elektrik (KWIE), quỹ do Chính phủ Malaysia thành lập với mục tiêu quản lý và kiểm soát tác động của biểu giá điện đối với người tiêu dùng) để duy trì mức giảm giá hiện tại là 2 xu/KWh cho người dùng trong nước và người dùng mục tiêu. Chính phủ đã trả cho tập đoàn điện lực Tenaga Nasional Bhd (TNB) 4,8 tỷ RM trong nửa cuối năm 2022 theo kế hoạch phục hồi chi phí sản xuất điện dựa trên cơ chế truyền dẫn chi phí mất cân bằng (ICPT).

Phần lớn các công ty nghiên cứu dự đoán phụ phí ICPT cao hơn đối với các lĩnh vực thương mại và công nghiệp trong giai đoạn thực hiện tiếp theo là từ ngày 1/1-30/6/2023.

* Nhu cầu về điện

Theo công ty phân tích dữ liệu CEIC Data, sản lượng điện ở Malaysia đạt 14.782 GWh vào tháng 8/2022 và chạm mức cao nhất trong lịch sử là 14.800 GWh vào tháng 5/2022.

Nhu cầu điện gia tăng ở Malaysia song hành với sự phục hồi của kinh tế đất nước và sẽ tiếp tục là tín hiệu tốt đối với TNB. Dự kiến TNB cũng sẽ được hưởng lợi khi đất nước chuyển đổi hướng tới một tương lai ít carbon, tập trung vào năng lượng tái tạo.

Trong tháng 1-9/2022, doanh thu của TNB đã tăng 46% từ 36,89 tỷ RM lên 53,87 tỷ RM nhờ doanh số bán điện trong tất cả các lĩnh vực đều tăng. Nếu không thu hồi chi phí từ ICPT, doanh thu sẽ là 37,95 tỷ RM, tăng 6,6%. Lợi nhuận ròng giảm 4,7% xuống 2,65 tỷ RM so với 2,78 tỷ RM trước đó.

Trong năm 2022, nhu cầu điện dự kiến sẽ tăng 1,7% so với mức 1,2% vào năm 2021, phù hợp với dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ 6,5-7,0%.

Một số nguồn tin cho rằng chính phủ đảm bảo tài trợ cho TNB lên tới 6 tỷ RM đối với chi phí vốn lưu động bổ sung, vốn có thể thu hồi được thông qua ICPT.

TNB cũng có thể hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi năng lượng của Malaysia với các khoản đầu tư bổ sung vào lưới điện và các cơ hội về năng lượng tái tạo. Điều này được kỳ vọng sẽ làm tăng thu nhập và cải thiện nhận thức về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của công chúng đối với “gã khổng lồ” tiện ích này.

TNB đang đẩy nhanh nỗ lực bằng cách cho phép các nhà máy điện than được lựa chọn ngừng hoạt động sớm hơn kế hoạch và cấp điện lại cho các nhà máy điện chạy bằng hóa thạch bằng công nghệ xanh mới. Thời gian qua, các nguồn năng lượng khác cũng đang được khai thác là năng lượng Mặt Trời, thủy điện và nhiên liệu sinh học để duy trì dòng tiền trong bối cảnh giá nhiên liệu và các chi phí sản xuất điện khác tăng mạnh.

Theo Giáo sư Geoffrey Williams phụ trách nghiên cứu và đổi mới tại Đại học Khoa học và Công nghệ Malaysia (MUST), TNB có chiến lược tái tạo rõ ràng nhưng vẫn chậm triển hai do thiếu công nghệ và chi phí. Ông cho biết, ngoài đầu tư vào các giải pháp thay thế cho nguồn cung khí đốt và than đá, TNB có thể tập trung vào nguồn cầu với việc sử dụng các phân tích dữ liệu và đo lường thông minh để hiểu nhu cầu chính xác hơn, cũng như cải thiện hồ sơ cung và chi phí để giúp tối đa hóa lợi nhuận và giảm lãng phí. Điều này có thể được thực hiện với cả nhu cầu kinh doanh và hộ gia đình. Đó thực sự là bài toán về nâng cao năng suất và hiệu quả để giúp tối đa hóa lợi nhuận.

* Chính sách năng lượng quốc gia

Khi biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng, các nỗ lực toàn cầu, bao gồm cả khử carbon, đã trở nên cấp bách hơn sau khi Malaysia công bố Chính sách năng lượng quốc gia (NEP) giai đoạn 2022-2040 vào ngày 19/9.

NEP nhấn mạnh cam kết của chính phủ đối với quá trình chuyển đổi năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu. Chính sách không chỉ hướng tới ngành năng lượng của Malaysia trong tương lai mà còn đóng vai trò như chất xúc tác để thu hút các khoản đầu tư trong và ngoài nước.

Quan trọng hơn, NEP tạo ra nền tảng cho sự phát triển của ngành năng lượng trong hai thập kỷ tới và được dự đoán sẽ có tác động đáng kể đến toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng, từ sản xuất và phát điện cho đến phân phối và sử dụng của người dùng cuối cùng.

Các cơ quan chính phủ và cơ quan quản lý có liên quan cũng dự kiến sẽ ban hành một loạt các hướng dẫn, chính sách và quy định trong thời gian tới, mà chắc chắn sẽ có tác động lớn đến sự phát triển của hệ sinh thái năng lượng.

Những doanh nghiệp trong ngành và các bên liên quan được khuyến khích quan tâm đến bất kỳ sự phát triển nào như vậy và điều chỉnh các chiến lược cũng như cách tiếp cận nhằm hưởng lợi đầy đủ.

Để đạt được mục tiêu đó, TNB đã tuyên bố đang đầu tư 21 tỷ RM vào chương trình Lưới điện của Tương lai giai đoạn 2022-2024 để nâng cao mức độ sẵn sàng và tin cậy của mạng truyền tải và phân phối.

* Khuyến khích năng lượng xanh

Ngày 31/10, chính phủ đã giới thiệu Chương trình Năng lượng Xanh dành cho Doanh nghiệp (CGPP) để khuyến khích nhiều công ty trong nước sử dụng nguồn điện xanh bằng cách lắp đặt hệ thống quang điện mặt trời (PV).

CGPP sẽ cho phép các công ty hoạt động tại Malaysia đạt được các cam kết ESG thông qua cơ chế Thỏa thuận mua bán điện trực tuyến (VPPA) với tổng hạn ngạch là 600 MW. Trước đây, các công ty ở Malaysia có thể thực hiện cam kết sử dụng điện xanh thông qua các chương trình Đo lường năng lượng thuần và tự tiêu thụ.

Bên cạnh đó, các công ty cũng có thể mua Giấy chứng nhận năng lượng tái tạo hoặc đăng ký Biểu giá điện xanh. Theo chương trình CGPP, các công ty đủ điều kiện có thể tham gia Thỏa thuận Năng lượng Xanh Doanh nghiệp (PTHK) để bán và mua năng lượng tái tạo thông qua các điều khoản và điều kiện được hai bên đồng ý.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu điện toàn cầu được dự đoán sẽ tăng 2,4% vào năm 2022 và sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tương tự vào năm 2023, trong khi tăng trưởng nhu cầu ở châu Á-Thái Bình Dương được dự đoán lần lượt là 3,4% và 4%. IEA cho biết giá nhiên liệu hóa thạch, tăng trưởng kinh tế và các biện pháp phòng dịch liên quan đến COVID-19 là những yếu tố không chắc chắn ảnh hưởng đến dự báo năm 2023 về nhu cầu điện toàn cầu và cơ cấu phát điện. 

Vào năm 2023, sản xuất điện tái tạo được coi là nguồn cung cấp điện phát triển nhanh nhất tại Malaysia, trong khi tăng trưởng năng lượng tái tạo ước tính có thể tăng 8% trên toàn cầu. Malaysia đã cam kết thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia trung hòa carbon vào đầu năm 2050 để giảm 45% cường độ phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2030, dựa trên cường độ phát thải năm 2005, phù hợp với khát vọng trở thành quốc gia carbon thấp. Sự tham gia của các công ty lớn cũng sẽ góp phần hỗ trợ năng lượng tái tạo của quốc gia Đông Nam Á này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục