Dư nợ lĩnh vực nông thôn chiếm 24,76% tổng dư nợ trong nền kinh tế

20:28' - 06/03/2023
BNEWS Đến cuối năm 2022 dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; chiếm 24,76% tổng dư nợ trong nền kinh tế và tăng gấp gần 3 lần so với năm 2016.

Ngày 6/3, phát biểu tại Lễ ký Quy chế phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến cuối năm 2022 dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; chiếm 24,76% tổng dư nợ trong nền kinh tế và tăng gấp gần 3 lần so với năm 2016.

 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện Hội Phụ nữ các cấp đã phối hợp ký kết với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng để triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình.

Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và 3 tổ chức chính trị - xã hội khác thực hiện một số nội dung ủy thác trong quy trình cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang quản lý dư nợ ủy thác lớn nhất trong các tổ chức chính trị - xã hội, với 62.299 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn và hơn 2,48 triệu khách hàng; 99,98% số Tổ Tiết kiệm và Vay vốn có tổ viên tham gia gửi tiền tại Ngân hàng Chính sách xã hội với số dư đạt 5.823 tỷ đồng.

Theo Thống đốc, đến cuối năm 2022, dư nợ ủy thác qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đạt gần 108 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 39% tổng dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, chất lượng cho vay thông qua các tổ chức Hội ngày càng được nâng cao và hiệu quả.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, dù ngành ngân hàng và các cấp Hội đã đạt nhiều kết quả trong việc thực hiện các chính sách của nhà nước về tín dụng, tài chính, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm như tình trạng người dân, phụ nữ chưa quan tâm, còn thiếu kiến thức cơ bản về sản phẩm tài chính, quản lý tài chính hay rủi ro liên quan đến sản phẩm tài chính; tín dụng đen vẫn xảy ra, thậm chí gây hậu quả đau lòng cho nhiều gia đình…

"Những vấn đề này đòi hỏi ngành Ngân hàng và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ và người dân thực hiện các chính sách tài chính, tín dụng một cách an toàn, hiệu quả", bà Hà Thị Nga nói.

Do đó, chương trình phối hợp giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2023-2027 gồm 4 nhóm hoạt động chính là phối hợp triển khai hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các loại hình tín dụng khác; tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; trong đó tập trung vào giáo dục tài chính cho phụ nữ, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Đồng thời, nâng cao nhận thức và tiến tới thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; tăng cường chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ trong truyền thông về hoạt động của hai bên.

Tại buổi ký kết, đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc ký Quy chế phối hợp nhằm tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa hai đơn vị trong việc thúc đẩy thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Nhà nước và Hội Liên hiệp Phụ nữ trong thực hiện các chính sách về tài chính toàn diện, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội, các nguồn tín dụng khác để tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn tín dụng phù hợp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục