Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Bổ sung nhiều quy định mới

17:49' - 19/06/2023
BNEWS Theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có bổ sung nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ các vướng mắc phát sinh thực tế.
Ngày 19/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã chủ trì cuộc gặp mặt các cơ quan báo chí để trao đổi thông tin việc tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), từ đó bổ sung chỉnh sửa vào trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 5.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan trực tiếp tham mưu cho Chính phủ trong việc tổng hợp, lấy ý kiến vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã kịp thời cập nhật những ý kiến của cử tri và nhân dân cả nước vào Dự thảo Luật trên cơ sở sàng lọc, đánh giá và điều chỉnh vào trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV vào Kỳ họp thứ 5. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục, bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân.

 
So với Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Dự thảo lần này đã có rất nhiều những quy định được bổ sung trên cơ sở ý kiến của cử tri và nhân dân, trong đó một số chương, mục, điều đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung và đã có đánh giá cũng tương đối sâu sắc về từng nhóm vấn đề. Có thể nói, đây là một trong những Luật quan trọng nên đã thu hút được đông đảo đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân quan tâm, mong chờ sớm được thông qua theo lộ trình để được tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trên thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta phải định hướng được những nội dung, chủ trương lớn để việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tạo sự đồng thuận trong nhân dân nhưng vẫn đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người dân để kinh tế phát triển, tháo gỡ được vướng mắc”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh.

Theo ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Tổ trưởng Tổ Biên tập soạn thảo Dự thảo, đến nay đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các nội dung được nhân dân quan tâm góp ý tập trung vào những vấn đề như: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu kiện; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong tổ chức thực thi; đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã bổ sung quy định để tăng trách nhiệm của Nhà nước trong thực hiện…

Về thủ tục hành chính đất đai (Chương XIV), Dự thảo Luật đã rà soát bổ sung quy định về hình thức thực hiện thủ tục hành chính để người dân có thêm lựa chọn hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp; quy định cụ thể việc công bố thủ tục hành chính và luật hóa một số thủ tục về đất đai. Cụ thể thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (Điều 225); thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (Điều 226); thủ tục giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất (Điều 227).

Về giám sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai (Chương XV), dự thảo Luật đã làm rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc không tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai. Không đưa vào dự thảo Luật quy định về kiểm toán đất đai để thực hiện theo Luật Kiểm toán; rà soát, hoàn thiện quy định về trách nhiệm giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; bổ sung hòa giải thương mại trong hòa giải tranh chấp đất đai để tăng lựa chọn, hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp đất đai và quy định Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai sử dụng hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật về thương mại; giữ quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai như Luật Đất đai hiện hành.

Đáng chú ý, về thu hồi, trưng dụng đất (Chương VI) là một trong nội dung nhận được nhiều ý kiến của nhân dân. Tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 79 theo hướng Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa. Quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật cần thiết khác. Đồng thời, rà soát làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh tại Điều 78; các trường hợp thu hồi đất do vi phạm để phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan như Luật đầu tư, các Luật về thuế, làm rõ hành vi của cơ quan quản lý hoặc của người vi phạm tại Điều 81.

Tại buổi gặp mặt, đại diện Ban biên tập soạn thảo đã thông tin làm rõ hơn một số nội dung như: Tài chính đất đai, giá đất; thời hạn sử dụng đất; xử lý quyền sử dụng đất của hộ gia đình; thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 10 ha trở lên tại khu vực nông thôn và 5 ha trở lên tại khu vực đô thị...

Đồng thời, để thể chế hóa trong các luật có liên quan, đại diện Ban soạn thảo đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan có kế hoạch xây dựng các Luật để kịp thời thể chế đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW nhằm tạo sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình thực hiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục