Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm kỷ lục không ngăn được giá "vàng đen" đi xuống

07:50' - 03/08/2023
BNEWS EIA cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 17 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 28/7, ghi nhận mức giảm lớn nhất lịch sử. Tuy nhiên, thông tin này không ngăn được giá dầu giảm.
Cuối ngày 2/8, giá dầu thế giới giảm 2%, sau liên tiếp các phiên tăng giá trước đó. Bất chấp dự trữ dầu thô của Mỹ giảm kỷ lục, thông tin Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitchs hạ mức tín nhiệm của Mỹ đã khiến hoạt động mua dầu của các thương nhân chững lại. 

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), ngày 2/8, cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 17 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 28/7, ghi nhận mức giảm lớn nhất lịch sử. Sự sụt giảm này được thúc đẩy bởi hoạt động lọc dầu và xuất khẩu dầu thô gia tăng.

Tuy nhiên, sau khi Fitch thông báo hạ mức tín nhiệm của Mỹ xuống một bậc, từ AAA xuống còn AA+, các thị trường tài chính đồng loạt giảm, ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư.

 
Chốt phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 10/2023 giảm 1,71 USD, tương đương 0,5%, xuống còn 83,2 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 9/2023 giảm 1,88 USD, tương đương 2,3%, xuống 79,49 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch trước đó, giá cả hai loại dầu này đều đã tăng hơn 1 USD, sau khi các nguồn tin trong ngành Dầu khí Mỹ khẳng định lượng dự trữ dầu của Mỹ giảm sâu.

Thị trường và các nhà phân tích cho biết việc Chính phủ Mỹ rút lại đề nghị mua 6 triệu thùng dầu cho Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược cũng góp phần đẩy giá dầu đi xuống.

Theo EIA, cùng tuần, các sản phẩm nhiên liệu chế biến của Mỹ – đại diện cho nhu cầu dầu – cũng giảm 1,3 triệu thùng, xuống còn 20 triệu thùng/ngày.

Giới phân tích nhận định nhu cầu xăng dầu dường như đã đạt đỉnh, sau khi giá xăng bán lẻ tăng.

Từ đầu tháng Bảy, Saudi Arabia đã chính thức giảm sản lượng khai thác 1 triệu thùng dầu/ngày, khiến tồn kho dầu ở các khu vực khác nhau bắt đầu giảm, do nhu cầu đang vượt quá nguồn cung.

Các nhà phân tích kỳ vọng, tại cuộc họp Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, tổ chức ngày 4/8,  Saudi Arabia sẽ tiếp tục gia hạn lệnh cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ ngày thêm một tháng, đến tháng 9/2023.

Những lo ngại về hoạt động mua dầu ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, có thể chậm lại do giá tăng và số liệu PMI yếu được công bố trong tuần này, cho thấy nhu cầu nhiên liệu có thể yếu hơn dự kiến, đã hạn chế mức tăng giá trong phiên giao dịch ngày 2/8.

Chuyên gia Philip Jones-Lux của công ty nghiên cứu và dự báo thị trường hàng hóa Sparta Commodities lưu ý quyết định tăng mua dầu các thương gia Trung Quốc xuất phát từ việc tận dụng cơ hội đang có chứ không phải do nhu cầu lên cao hơn. Giá dầu tăng tiếp tục được thúc đẩy bởi những hạn chế về nguồn cung, vốn luôn chịu áp lực từ sự biến động chính trị tiềm tàng. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục