Đưa giám sát về tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình giám sát tối cao năm 2022

13:14' - 26/07/2021
BNEWS Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 26/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu đối với vấn đề này.

Kiểm tra, giám sát, chấp hành kỷ cương về tài chính ngân sách

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một phạm trù lớn trong đó bao gồm lãng phí về vật chất cũng như phi vật chất. Lãng phí về về vật chất là sử dụng lãng phí ngân sách, hủy hoại ngân sách, các nguồn lực nhà nước, các vấn đề liên quan đến những công trình, dự án chậm tiến độ, sai mục tiêu, lãng phí... Lãng phí về phi vật chất là bỏ lỡ thời cơ, cam kết quốc tế, nguồn nhân lực, đề tài...

Trong những nội dung trên, ông Hồ Đức Phớc cho biết việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương luôn được coi là một vấn đề cốt lõi. Do đó, công tác kiểm tra, giám sát và chấp hành kỷ luật, kỷ cương về tài chính ngân sách để quản lý nguồn lực luôn được nâng cao và quan tâm sát sao.

Năm 2020, thanh tra cả nước đã tiến hành hơn 6 nghìn cuộc thanh tra hành chính, hơn 181 nghìn cuộc thanh tra chuyên ngành, phát hiện sai phạm với giá trị hơn 86 nghìn tỷ đồng, hơn 6 nghìn ha đất, thu hồi hơn 23 nghìn tỷ đồng và hơn 8 trăm ha đất; kiến nghị xử lý hơn 2 nghìn tập thể, 485 cá nhân; đôn đốc thực hiện sau thanh tra đối với 1.066 tập thể, 3.658 cá nhân và chuyển điều tra, khởi tố 12 vụ sau khi kiểm toán, thanh tra.

Trong năm 2020 có 15 luật, hơn 157 nghìn thông tư, 39 quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được sửa đổi. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 17 nghị định, 9 đề án; các bộ ban hành 50 thông tư; trong số này có nhiều nghị định giải phóng nguồn lực, bịt các lỗ hổng thất thoát, cùng với đó có nội dung phân cấp cho chính quyền địa phương.

Ví dụ, theo Nghị định 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, đối với tài sản công có giá trị trên 500 tỷ đồng thì Bộ Chính trị cho ý kiến; đối với loại tài sản thuộc địa phương cấp tỉnh xử lý dưới 500 tỷ đồng; nếu tài sản đó thuộc cấp bộ quản lý thì bộ trưởng giải quyết. "Chúng tôi luôn xem vấn đề hoàn thiện pháp luật, sửa đổi văn bản là một mũi đột phá để phát triển", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, về hiệu quả tiết kiệm đã giảm được 16 đơn vị cấp huyện, 546 đơn vị cấp xã và hàng chục ngàn đơn vị khác. Riêng Bộ Tài chính đã giảm được hơn 2 nghìn đầu mối bằng việc sáp nhập các chi cục thuế, kho bạc. Ngành tài chính đã tổ chức thanh tra 6 tháng đầu năm với 32 nghìn cuộc thanh tra, xử lý 23 nghìn tỷ đồng; cắt, giảm, tiết kiệm chi 55 tỷ đồng.

Về ý kiến của đại biểu Hoàng Thị Đôi (Sơn La) cho rằng định mức ngân sách cho cho miền núi thấp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Về định mức ngân sách chi thường xuyên, các bộ, ban, ngành, địa phương đã được xin ý kiến trước khi trình Chính phủ, Quốc hội; trên cơ sở đó dự toán được lập ra. Các định mức này là chỉ tiêu bình quân; còn trong quá trình thực hiện địa phương nào hụt thu thì được ngân sách Trung ương bù thu, đảm bảo hoạt động của địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng giải trình một số ý kiến của các đại biểu xoay quanh nội dung phân bổ ngân sách, giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí thời gian tới.

Góp phần huy động thêm nhiều nguồn lực phục vụ chống dịch COVID-19

Kết luận phiên thảo luận Hội trường, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, 14 ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội ở Hội trường đều nhất trí với nội dung báo cáo quyết toán ngân sách năm 2019.

Theo đó, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2019 dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát quyết định của Quốc hội, của Chính phủ, cùng nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã hoàn thành toàn diện với 12/12 chỉ tiêu kế hoạch đạt và vượt mục tiêu đề ra, tạo tiền đề cho khả năng hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 nếu không xảy ra đại dịch COVID-19 vào năm 2020.

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với báo cáo đánh giá của Chính phủ; cho rằng mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiên tai và tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần huy động thêm nhiều nguồn lực từ ngân sách nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân phục vụ chống dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội trong điều kiện còn nhiều khó khăn.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, khắc phục tình trạng báo cáo còn có mặt chung chung, không cụ thể số liệu. Báo cáo cần chỉ rõ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân điển hình, nêu gương tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời chỉ rõ các bộ, địa phương chưa thực hiện tốt hoặc vi phạm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để chấn chỉnh, xử lý, bổ sung các quy định về thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cùng với đó, rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật, các định mức, tiêu chuẩn, đơn giá chủ yếu chưa phù hợp thực tiễn; sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến nút thắt, điểm nghẽn trong công tác quy hoạch, đầu tư trong giao nhiệm vụ đặt hàng, đấu thầu, mua sắm công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng cơ bản.

Nhiều ý kiến đề nghị quyết liệt đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhằm góp phần giảm phiền hà, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, sau phiên thảo luận này, Đoàn Chủ tịch đề nghị bổ sung những nội dung cơ bản để đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội, đưa nội dung giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào chương trình giám sát tối cao năm 2022./.

>>Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV: Tiết kiệm, chống lãng phí phải trở thành thói quen

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục