Đức cam kết sớm giải ngân, hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng COVID-19

12:30' - 06/11/2020
BNEWS Gói hỗ trợ lần này dự kiến lên tới 10 tỷ euro (11,8 tỷ USD). Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể yêu cầu mức bồi thường tương đương 75% doanh thu bị mất nhưng không được vượt quá 1 triệu euro.

Ngày 5/11, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cam kết nước này sẽ sớm giải ngân khoản hỗ trợ tài chính cho các công ty, doanh nghiệp, công ty và cá nhân bị ảnh hưởng bởi đợt phong tỏa từng phần trong tháng 11/2020 nhằm kiềm chế sự lây lan nhanh chóng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu trước báo giới, ông Scholz nhấn mạnh: "Tôi muốn khoản hỗ trợ nhanh chóng đến được tay những công ty, doanh nghiệp và cá nhận bị thiệt hại kinh tế trong tháng 11/2020”. Theo ông, người dân, doanh nghiệp và chính phủ Đức cần sát cánh cùng nhau trong cuộc khủng hoảng hiện nay để có thể vượt qua đại dịch COVID-19.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier, chính phủ đã nhất trí về các điều kiện cho khoản hỗ trợ và nếu thuận lợi, việc giải ngân sẽ được triển khai ngay vào cuối tháng này. Những đối tượng ở trong diện hưởng lợi gồm các công ty, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lệnh phong tỏa từng phần lần hai, và những cá nhân bị giảm 80% thu nhập do phải nghỉ việc.               

Gói hỗ trợ lần này dự kiến lên tới 10 tỷ euro (11,8 tỷ USD). Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể yêu cầu mức bồi thường tương đương 75% doanh thu bị mất nhưng không được vượt quá 1 triệu euro. Đối với những khoản hỗ trợ cao hơn mức này cần phải được Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận.

Đức áp lệnh phong tỏa từng phần từ ngày 2/11 trên phạm vi cả nước và sẽ kéo dài đến hết tháng. Lệnh quy định hạn chế tiếp xúc; yêu cầu các cửa hàng, quán bar, quán rượu và nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. Nhiều chuyên gia kinh tế và truyền thông Đức cảnh báo đợt phong tỏa lần hai này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều doanh nghiệp của Đức.

Trong khi đó, theo các số liệu thống kê, kinh tế Đức trong quý III/2020 đã phục hồi mạnh ở mức 8,2% sau khi suy giảm xuống mức thấp nhất trong quý trước đó do tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn dự đoán nền kinh tế lớn nhất châu Âu nhiều khả năng vẫn rơi vào trạng thái trì trệ hoặc thậm chí bị thu hẹp lại trong quý IV/2020 do các biện pháp phong tỏa mới./.

>>Điểm đến hấp dẫn với các ngân hàng rời London hậu Brexit

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục