Đức đối mặt với cuộc khủng hoảng ngành y tế

14:55' - 28/12/2023
BNEWS Liên đoàn Bệnh viện Đức (DKG) ngày 27/12 cảnh báo tình hình các bệnh viện ở nước này "đang trầm trọng hơn bao giờ hết" do số vụ phá sản dự báo sẽ ở mức cao đỉnh điểm vào năm 2024.

Theo kết quả khảo sát do Viện Bệnh viện Đức (DKI) công bố cùng ngày, dự báo khoảng 80% bệnh viện tại nước này ghi nhận kết quả tiêu cực trong năm nay và hầu hết lo ngại rằng tình hình kinh tế sẽ tiếp tục xấu đi trong năm tới.

 

Chủ tịch DKG Gerald Gass cảnh báo sau gần 40 vụ phá sản trong năm 2023, số lượng bệnh viện nộp đơn xin phá sản có thể tăng gấp đôi do chi phí nhân viên tăng mạnh có thể thấy trước. Hầu như không bệnh viện nào hiện có đủ thu nhập để trang trải chi phí.

Bên cạnh đó, có một thực tế là các bệnh viện không được cấp vốn đầu tư trong nhiều thập kỷ. Ngoài ra, các bệnh viện tại Đức không được phép tự chủ điều chỉnh giá trong khi phải chịu áp lực lạm phát giống như các ngành nghề khác của nền kinh tế.

Sự mất cân bằng này ngày càng dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán và phá sản. Chủ tịch DKG cảnh báo các bệnh viện ở Đức sẽ thiếu 10 tỷ euro (11 tỷ USD) tính đến cuối năm nay.

Trong khi đó, kết quả khảo sát của công ty tư vấn kinh doanh Roland Berger cho thấy trong năm 2021 có chưa đầy 1.900 bệnh viện tại Đức. Phần lớn các nhà quản lý được hỏi cho rằng con số này sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 1.250 bệnh viện vào năm 2033.

Các điểm chính trong kế hoạch cải cách bệnh viện đã được nhất trí vào tháng 7/2023. Hiện Bộ Y tế Đức (BMG) và các đơn vị liên quan đang thảo luận chi tiết những nội dung này.

Theo BMG, việc cải cách là nhằm phi kinh tế hóa, đảm bảo và nâng cao chất lượng điều trị cũng như giảm bớt tình trạng quan liêu trong hệ thống y tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục