Đức: Nan giải bài toán vận hành trở lại các nhà máy điện than

06:30' - 09/08/2022
BNEWS Không phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga là quyết tâm của Đức, song việc vận hành trở lại các nhà máy điện than đang là vấn đề nan giải đối với quốc gia đặt mục tiêu loại bỏ than đá vào năm 2038.

Từ tuần qua, Đức thông báo bắt đầu vận hành trở lại các nhà máy nhiệt điện, một tiến trình vốn đang được loại bỏ theo từng giai đoạn để giảm tác động của khí thải gây hiệu ứng nhà kính, được xem là vô cùng bất lợi cho một thế giới đang bị tàn phá bởi sự nóng lên toàn cầu.

Với mục tiêu là loại bỏ tất cả điện sản xuất bằng than vào năm 2038, nhưng hiện Chính phủ Đức vẫn đang phải cho phép nhiệt điện hòa trở lại vào lưới điện quốc gia, với hy vọng có thể thay thế nguồn điện chạy bằng khí đốt, hiện đang chiếm khoảng 10% tổng điện năng của Đức.
Mặc dù Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng: “Các biện pháp khẩn cấp trên chỉ là tạm thời và được áp dụng trong một khoảng thời gian rất ngắn, không làm chệch hướng các mục tiêu về khí hậu”, song ông cảnh báo: “Chúng ta có thể đang trượt vào thời kỳ phục hưng toàn cầu của năng lượng hóa thạch, đặc biệt là than đá”. 
Những số liệu toàn cầu năm ngoái dường như cho thấy chính xác những gì đang xảy ra, đó là chưa bao giờ thế giới sử dụng nhiều than để tạo ra nhiều điện như vậy. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng cảnh báo rằng kịch bản tương tự về nhu cầu và sản lượng cao sẽ lặp lại trong năm nay.
Tác động từ lệnh cấm nhập khẩu than của Nga
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hiệp hội các nhà nhập khẩu than có trụ sở tại Berlin, Alexander Bethe khẳng định: “Mùa Đông năm nay, chúng tôi chắc chắn sẽ nhập khẩu hơn 30 triệu tấn than cứng để duy trì hoạt động của các nhà máy điện, tăng 11% so với năm 2021”.
Trước khi diễn ra cuộc xung đột ở Ukraine, 50% than vận hành các nhà máy điện của Đức được nhập khẩu từ Nga. Nhưng kể từ ngày 9/4, Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm bán và nhập khẩu than cũng như dầu mỏ của Nga. Tuy nhiên, do chưa có hiệu lực ngay lập tức, dầu mỏ sẽ vẫn được giao đến cuối năm nay, trong khi than chỉ có thể được giao và nhận hàng đến hết ngày 10/8.
Các nhà nhập khẩu than của Đức cho biết việc tìm kiếm các nhà cung cấp khác không phải là vấn đề quá khó. Theo ông Bethe, những nguồn này có thể mua ở Nam Phi, Australia, Mỹ, Colombia và Indonesia. Nhưng mỗi loại than lại có những đặc điểm và chất lượng khác nhau. Điều quan trọng là hỗn hợp nào tốt nhất và phù hợp cho các nhà máy điện của Đức. Hiện việc kiểm tra chất lượng đang được tiến hành.
Ông Bethe cho rằng có lẽ khó khăn hơn cả là các tuyến đường vận chuyển than, các cảng biển lớn như Amsterdam, Rotterdam, Antwerp đều đã kín chỗ. Các tuyến vận tải nội địa lấy than bằng tàu thủy, tàu hỏa từ các cảng lớn đến các nhà máy điện đều bị hạn chế. Điều này cũng một phần do Đức thiếu hụt lao động có tay nghề cao.
Với mục tiêu là loại bỏ than đá vào năm 2038, lực lượng lao động trong ngành này đã bị cắt giảm theo lộ trình. Các tuyến đường thủy nội địa cũng đang nỗ lực giảm công suất theo kỳ vọng. Chưa kể, hiện tại 1/3 lượng than nhập khẩu của Đức đến từ sông Rhine, nhưng vào thời điểm khô hạn mùa Hè, mực nước quá thấp nên các tàu chỉ có thể ra khơi với tải trọng từ 30% đến 40%.
Giá than tăng
Đầu năm 2021, than cứng có giá 64 USD/tấn trên thị trường thế giới, hiện giá đã tăng gần 400 USD/tấn. Cũng trong năm ngoái, khoảng 7,4 tỷ tấn than cứng đã được khai thác, trong đó một nửa là ở Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay các quốc gia khai thác than chủ yếu đáp ứng nhu cầu của mình trước tiên và chỉ có 1 tỷ tấn được giao dịch trên thị trường toàn cầu.
Không chỉ có các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đen hoặc than cứng mới được vận hành trở lại, Chính phủ Đức cũng đang soạn thảo một quy định, cho phép khởi động lại các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than non đã ngừng hoạt động, vận hành lại vào tháng 10/2022.
Quy định này cũng có hiệu lực với nhà máy điện Jänschwalde ở Brandenburg, nơi hai tổ hợp máy đã được tắt và chuyển sang “chế độ chờ an toàn”. Nếu được khởi động lại, các tổ hợp này có thể cung cấp lượng điện như một nhà máy điện hạt nhân thông thường.
Tuy nhiên, theo tổ chức môi trường Green League,  nếu các tổ hợp trên được khởi động lại ngay từ bây giờ, cần có 13 triệu m3 nước để vận hành các tuabin hơi nước, điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước ở sông Spree.
Một vấn đề nữa là các tổ hợp quá cũ này không tuân thủ các quy định về khí thải, do nhà điều hành cho rằng không cần thiết để nâng cấp trước khi ngừng hoạt động hoàn toàn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục