Đức: Tác dụng ngược của các biện pháp ứng phó với khủng hoảng năng lượng

06:30' - 27/09/2022
BNEWS Hoạt động xây dựng nhiều cơ sở năng lượng tái tạo hơn, chủ yếu là năng lượng Mặt Trời, đang diễn ra với tốc độ kỷ lục, nhưng việc đó vẫn là không đủ để đảm bảo đủ nguồn cung cho mùa Đông này.

 

Theo nhà báo Paul Hockenos đang sống tại Đức, những người đi bộ vào đêm khuya trên đại lộ Unter den Linden không thể không nhận thấy rằng các công trình kiến trúc và di tích mang tính biểu tượng của thành phố Berlin như bức tượng đồng của Friedrich Đại đế, Đại học Humboldt, Bảo tàng Lịch sử Đức và Cổng Brandenburg, đều đang chìm trong bóng tối. Kể từ ngày 1/9, tất cả các công trình công cộng, hội trường thành phố, tòa nhà hành chính, thư viện và bảo tàng ở Berlin chỉ được bật đèn sáng từ 4 giờ chiều đến 10 giờ tối hàng ngày. 

Không chỉ ở Berlin, chính sách “tắt đèn” đang được triển khai ở trên toàn nước Đức và ở nhiều nước khác ở châu Âu. Bên cạnh đó, chiến dịch ứng phó với khủng hoảng năng lượng của Đức bao gồm việc yêu cầu các tòa nhà công cộng phải tránh giữ ấm các phòng vượt quá 66 độ F (khoảng 19 độ C) và không giữ ấm hành lang, lối vào hoặc tiền sảnh. 

Các chính sách tiết kiệm điện cũng mở rộng sang khu vực tư nhân trong tháng này. Các biển quảng cáo được chiếu sáng rực rỡ dọc theo khu mua sắm Kurfürstendamm (người Đức gọi là Ku’damm) của Berlin cũng phải tắt từ 10 giờ tối. Thị trưởng Berlin thậm chí còn tắt hệ thống chiếu sáng mang tính biểu tượng dọc theo khu Ku’damm trong Giáng Sinh sắp tới.

Toàn bộ nước Đức và phần lớn châu Âu đã chuyển sang trạng thái tiết kiệm điện. Tiết kiệm từng kWh đã trở thành lợi ích quốc gia cơ bản và các biện pháp mạnh mẽ hơn sẽ có hiệu lực vào tháng 10/2022. Đây là phản ứng khẩn cấp của Đức khi đối diện với việc Nga đình chỉ hoạt động vận chuyển khí đốt đến châu Âu vào đầu tháng Chín, khiến giá điện và giá khí đốt tăng vọt sau đó. Tắt đèn trang trí Giáng sinh ở Ku’damm sẽ tiết kiệm cho Berlin khoảng 600.000 USD, nhưng khu vực này chỉ chiếm 1% trong tổng mức năng lượng sử dụng của cả thành phố.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế, năng lượng và hành động khí hậu của Đức Robert Habeck khẳng định: “Chúng ta không nên cho rằng chúng ta sẽ nhận được khí đốt tự nhiên vào mùa Đông này thông qua đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1)”. Klaus Müller, người đứng đầu cơ quan quản lý lưới điện Đức, cảnh báo nước này sẽ gặp thách thức nếu mùa Đông sắp tới nhiệt độ quá lạnh.

Đức đặt mục tiêu cắt giảm 20% sử dụng khí đốt, tương đương với mức thiếu hụt khi Nga ngừng cung cấp khí đốt. Kế hoạch khẩn cấp về khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) cũng đã có hiệu lực, với kêu gọi cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt. Tây Ban Nha, Pháp và các nước EU khác đã thực hiện các biện pháp tiết kiệm tương tự của Đức.

Bên cạnh nguy cơ liên quan đến nhiệt độ có thể lạnh hơn, một vấn đề nghiêm trọng hơn là giá bán buôn khí đốt đã tăng gấp bốn lần so với năm ngoái, với chi phí sản xuất điện cũng tăng đáng kể. Người dân Đức và các doanh nghiệp có thể sẽ bị sốc khi nhận hóa đơn năng lượng năm nay. Một số ngành đã giảm quy mô sản xuất do dự đoán giá năng lượng sẽ tăng.

Trong một phát biểu, Bộ trưởng Habeck đã nói rõ tất cả châu Âu đều có nguy cơ cao. Việc đảm bảo cung cấp năng lượng liên tục và hạ giá năng lượng là điều cấp thiết để ngăn chặn suy thoái ở Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Đây cũng là chìa khóa để ngăn chặn các cuộc biểu tình, chỉ hai tuần trước các cuộc biểu tình đã làm rung chuyển Cộng hòa Czech. Và trong tình huống xấu nhất khi Đức hết khí đốt, các ngôi nhà và trường học lạnh cóng, mọi hoạt động công nghiệp bị “đóng băng”, doanh nghiệp vỡ nợ và sinh kế của mọi người dân sẽ bị ảnh hưởng.

Các biện pháp mà Chính phủ Đức có thể sử dụng không nhưng rất ít mà chúng còn chưa được thử nghiệm và có rất nhiều vấn đề. Về nguồn cung, Đức gần như đã lấp đầy tất cả các cơ sở dự trữ khí đốt sẵn có và đang đàm phán với một số nhà cung cấp mới, bao gồm cả các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Tuy nhiên, nước này vẫn sẽ rơi vào tình trạng thiếu khí đốt nếu nhiệt độ giảm xuống dưới mức đóng băng trong nhiều tuần liên tiếp.

Hoạt động xây dựng nhiều cơ sở năng lượng tái tạo hơn, chủ yếu là năng lượng Mặt Trời, đang diễn ra với tốc độ kỷ lục, nhưng việc đó vẫn là không đủ để đảm bảo đủ nguồn cung cho mùa Đông này. Chính phủ đang cho phép các nhà máy nhiệt điện than tiếp tục vận hành. Hai trong ba nhà máy điện hạt nhân còn lại của Đức được giữ ở chế độ chờ và có thể được đưa vào sử dụng nếu hoạt động cung cấp điện của Đức bị đình trệ.

Điều này khiến phần còn lại của “phương trình” quản lý khí đốt - tiêu thụ năng lượng - là đòn bẩy khả dụng nhất đối với các nhà hoạch định chính sách. Nhưng giới chức Đức dường như vẫn do dự trong việc áp dụng các biện pháp để giảm nhu cầu, bởi điều này can thiệp vào sự riêng tư của công dân bình thường và cách các khu vực tư nhân tiến hành kinh doanh.

Dù vậy, người Đức đang coi tình trạng thiếu khí đốt như một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Tiêu thụ khí đốt của Đức giảm khoảng 17% trong tháng Năm, 8% vào tháng Sáu và 15% vào tháng Bảy, so với mức trung bình 5 năm gần đây. Sử dụng khí đốt trong các ngành công nghiệp đã giảm 22% trong tháng 8/2022 khi các công ty tìm cách chuyển sang các hãng vận chuyển năng lượng khác và cắt giảm một phần sản xuất. Các nhà máy điện chạy bằng khí đốt đóng góp 12% điện năng của Đức.

Mức giá “cắt cổ” dường như có hiệu quả trong việc khiến người dân và các doanh nghiệp tiết kiệm điện, hơn là lời kêu gọi của các chính trị gia và chuyên gia năng lượng. Hơn nữa, các chiến dịch truyền thông cũng đã liên tục đăng tải mẹo tiết kiệm năng lượng mà người Đức có thể áp dụng, chẳng hạn như giảm nhiệt độ xuống 1 hoặc thậm chí 2 độ C, dùng tất len và áo len trong mùa Đông này, cắt giảm thời gian tắm và tắt đèn khi không sử dụng. Một chính trị gia của Đảng Xanh thậm chí còn đề xuất rằng người Đức tắm bằng khăn mặt thay vì dùng nước nóng. Các chủ nhà có thể nhận được ưu đãi về thuế và trợ cấp để làm cách nhiệt tường, lắp đặt các thiết bị năng lượng tái tạo hay đầu tư vào cửa sổ chống lạnh.

Các chuyên gia cho rằng những biện pháp này nếu được áp dụng trên diện rộng ở hộ gia đình và doanh nghiệp, sẽ có tác động lớn đến nhu cầu, cũng như giá cả, và giảm thiểu những tác động mà tình trạng thiếu khí đốt của Nga gây ra. Các nhóm vận động như Sáng kiến Công nghiệp Đức về Hiệu quả Năng lượng (DENEFF), hay những người ủng hộ khí hậu toàn cầu, đã kêu gọi tiết kiệm năng lượng trong nhiều năm. Mục tiêu của EU là cắt giảm 36% tiêu thụ năng lượng vào năm 2030, song đến gần đây các biện pháp mới được đẩy mạnh, song các chuyên gia vẫn cho rằng những hành động này chưa đủ mạnh mẽ.

Ông Christian Noll từ DENEFF nhận xét: “Giờ đây, hiệu quả năng lượng không chỉ là ưu tiên khí hậu mà còn là mệnh lệnh địa chính trị, ít nhất là các biện pháp đang được thực hiện nghiêm túc.” Ông cho rằng Đức có thể loại bỏ khí đốt nhập khẩu từ Nga ra khỏi phương trình năng lượng từ nhiều năm trước, nếu chính phủ ban hành các chính sách tích cực về hiệu quả năng lượng. Và nhờ vậy, Đức có thể tránh được tình trạng thiếu khí đốt trong mùa Đông này, khi có các cơ chế thực thi chính sách thay vì chỉ kêu gọi hộ gia đình và doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng.

Giờ đây, nước Đức đang chuẩn bị đối mặt với mức giá năng lượng tăng cao hơn. Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ứng phó với cú sốc sắp tới, Chính phủ Đức đã ban hành ba gói cứu trợ trị giá gần 100 tỷ USD. Biện pháp thứ hai gửi cho mỗi người đóng thuế khoản hỗ trợ 300 USD. Biện pháp thứ ba là gửi thêm 300 USD vào tài khoản ngân hàng của những người về hưu và 200 USD cho tất cả sinh viên.

Chính phủ Đức cũng đề xuất rằng các hộ gia đình sẽ nhận được một lượng điện cần thiết để đáp ứng nhu cầu cơ bản với mức giá chiết khấu. Đề xuất này cũng sẽ được áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính phủ liên bang cho biết họ sẽ thiết lập giới hạn giá khí đốt và điện vào cuối năm nay, và EU cũng đang có kế hoạch can thiệp vào thị trường năng lượng.

Tuy nhiên, trái ngược với mục tiêu lớn hơn là giảm tiêu thụ năng lượng, giới hạn giá và các biện pháp trợ cấp sẽ có tác động tích cực đến nhu cầu. Bằng cách giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng, các biện pháp này làm loãng tín hiệu giá cả - yếu tố thúc đẩy người dân tiết kiệm hơn. Toby Couture của công ty tư vấn năng lượng E3 Analytics cho biết: “Điều này làm tăng nguy cơ mất điện trong mùa Đông, vì người dân và doanh nghiệp tiêu thụ nhiều điện hơn mức mà nguồn cung có thể cung cấp một cách hiệu quả.”

Các chuyên gia kêu gọi Chính phủ Đức nên chi nhiều hơn cho những thứ như máy điều nhiệt mới, thiết bị tiết kiệm năng lượng, vật liệu cách nhiệt, vòi nước và vòi hoa sen cải tiến để tiết kiệm năng lượng. Cách duy nhất để thúc đẩy việc giảm sử dụng năng lượng hóa thạch hiệu quả và bền vững là chuyển sang các giải pháp thay thế hiệu quả hơn.

Một điểm sáng của gói cứu trợ mới là việc mở rộng chương trình bán vé phương tiện công cộng hàng tháng trị giá 9 USD - đã được triển khai trong mùa Hè này. 52 triệu vé đã được bán ra, giúp làm giảm 17% lưu lượng giao thông đường bộ, giảm tiêu thụ xăng, giảm tắc nghẽn và ô nhiễm không khí, đồng thời loại bỏ 1,8 triệu tấn CO2. Chương trình này cũng hoạt động như một biện pháp cứu trợ kinh tế cho những người Đức đang phải vật lộn với giá năng lượng cao và lạm phát. Mặc dù giá vé mới dự kiến sẽ tăng lên 29-69 USD, thay vì 9 USD, nhưng biện pháp này nên được áp dụng dài hạn thay vì chỉ 6 tháng như kế hoạch trước đó./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục