Dùng công nghệ thông tin để tháo gỡ khó khăn cho du lịch

17:28' - 06/12/2018
BNEWS Lần đầu tiên trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam có diễn đàn về du lịch, thu hút rất đông diễn giả trong nước, quốc tế tham gia đóng góp ý kiến, đưa ra nhiều khuyến nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì phiên toàn thể diễn đàn du lịch nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam diễn ra ngày 6/12 tại Hà Nội nhằm thảo luận về các giải pháp trọng tâm phát triển du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững tới năm 2030.

Phiên toàn thể diễn ra ngày 6/12 với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Đây là lần đầu tiên có diễn đàn về du lịch trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch quốc gia (TAB) tổ chức.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Đây là lần đầu tiên trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam có diễn đàn về du lịch, thu hút rất đông diễn giả trong nước, quốc tế tham gia đóng góp ý kiến, đưa ra nhiều khuyến nghị. Các bộ phận chức năng của diễn đàn đã ghi chép đầy đủ khuyến nghị của bạn bè quốc tế để giúp du lịch phát triển tốt hơn.

Phó thủ tướng chia sẻ: Lần đầu tiên có diễn đàn du lịch trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam bởi du lịch thực sự đã có đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ cũng rất quan tâm đến ngành du lịch.

Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đã có bước tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng chung của nền kinh tế. Việc giữ được tốc độ tăng như hiện nay là điều khó khăn bởi lẽ ngành du lịch vấp phải những hạn chế mà bản thân ngành du lịch và các ngành khác cũng không thể tháo gỡ được trong vòng 1-2 năm như visa, hàng không…

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Những hạn chế hiện nay của ngành du lịch Việt Nam liên quan đến quảng bá, xúc tiến, visa, sản phẩm, nhân lực… đều có thể ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết.

Việc quảng bá bằng các kênh chuyên nghiệp là cần thiết nhưng giờ có thể quảng bá hiệu quả cao thông qua ứng dụng công nghệ thông tin bởi lẽ trong thời gian ngắn ngành du lịch không thể có được 50 triệu USD từ ngân sách mà chỉ có có vài triệu USA, bằng vài % so với các nước khác.

Chính phủ cũng đã đưa 2 điểm mấu chốt để duy trì tốc độ phát triển 30% của du lịch trong thời gian tới. Đó là di vào chất lượng, phải phân khách hàng, sản phẩm thành nhiều tầng nấc nhưng vẫn phải ưu tiên cho chất lượng.

Điều du lịch Việt Nam mong muốn là phải làm cách nào đó để du khách sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để có trải nghiệm tốt hơn trong chuyến du lịch và Việt Nam sẵn sàng đáp ứng được. Điểm thứ 2 là phải dùng công nghệ thông tin.

Tiến tới đây, Chính phủ phát động hướng đi du lịch thông minh, đưa ra thông điệp kêu gọi các doanh nghiệp, người dân đóng góp phát triển du lịch thông minh để ngành du lịch Việt Nam phát triển tốt hơn trong khi chưa giải quyết ngay được các vướng mắc dài hạn…

Đây là diễn đàn du lịch có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với gần 1.500 khách. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Phó Thủ tướng mong muốn ngành du lịch đi tiên phong, từ du lịch thúc đẩy nền kinh tế cả nước phát triển nhanh hơn, từ cải thiện môi trường hoạt động du lịch, tăng xếp hạng du lịch từ đó tăng xếp hạng của Việt Nam về môi trường kinh doanh, sức cạnh tranh…

Diễn đàn du lịch trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam diễn ra từ ngày 5-6/12, là nơi gặp gỡ, đối thoại và hội đàm cấp quốc gia lần đầu tiên của ngành du lịch. Diễn đàn cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước nắm bắt toàn diện hơn các cơ chế, chiến lược, tiềm năng quốc gia, những vấn đề còn tồn tại, thách thức cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.

Mục tiêu của diễn đàn thúc đẩy trong 5 năm tới là tăng tỷ lệ đóng góp GDP trực tiếp của du lịch từ 7,5% năm 2017 lên 12% năm 2022; tạo ra thêm 3 triệu việc làm trực tiếp và 2,5 triệu việc làm gián tiếp; thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trong và ngoài nước; nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.

Diễn đàn gồm 2 phiên thảo luận trong đó đề cập đến nhiều vấn đề như: Tái cấu trúc ngành và phát triển du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng, bền vững; quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia; cải thiện chính sách visa; nâng cao năng lực quản lý điểm đến; hạ tầng hàng không; thu hút đầu tư nước ngoài; phát triển nhân lực; ứng dụng công nghệ trong phát triển và quản lý du lịch; môi trường và quản lý chất lượng điểm đến.

Trong những năm qua, du lịch toàn cầu tăng trưởng liên tục, trở thành ngành kinh tế hàng đầu về thu nhập ngoại tệ, giá trị xuất khẩu và tạo việc làm. Tổ chức Du lịch thế giới dự báo năm 2030 sẽ có 1,8 tỷ khách đi du lịch trên toàn cầu.

Xem thêm:

>>Diễn đàn Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh gặt hái nhiều giải pháp xây dựng đô thị sáng tạo

>>Việt Nam tăng điểm năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục