Đường dây 220 kV Đông Hà-Lao Bảo chậm tiến độ do vướng mặt bằng

19:30' - 18/07/2020
BNEWS Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết, đường dây 220 kV Đông Hà-Lao Bảo chậm tiến độ do vướng mặt bằng.

Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết, việc bồi thường giải phóng mặt bằng, thi công và cung cấp vật tư thiết bị dự án trạm biến áp (TBA) 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đang làm chậm tiến độ dự án khoảng 1 quý. Do vậy CPMB phấn đấu hoàn thành đóng điện dự án này trong quý I/2021. 

Dự án TBA 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giao cho Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) triển khai đầu tư để đáp ứng yêu cầu về giải tỏa công suất của các dự án điện gió khu vực phía Tây Quảng Trị theo yêu cầu của UBND tỉnh Quảng Trị.

Dự án có quy mô xây dựng mới 1 trạm biến áp 220/110/22 kV Lao Bảo gồm 2 máy biến áp, công suất 250 MVA/máy. Giai đoạn 1 (năm 2020) lắp đặt trước 1 máy biến áp 220 kV và giai đoạn 2 (năm 2021) sẽ lắp đặt thêm máy biến áp 220 kV thứ 2. Cùng với đó, mở rộng 2 ngăn xuất tuyến 220 kV tại TBA 220 kV Đông Hà. Đồng thời, xây dựng đường dây 220 kV mạch kép Đông Hà - Lao Bảo với tổng chiều dài khoảng 46,4 km.

Dự án đảm bảo vừa truyền tải hết công suất tại các Nhà máy điện gió phía Tây tỉnh Quảng Trị và các thủy điện nhỏ trong khu vực lên hệ thống điện Quốc gia; vừa đảm bảo cung cấp điện một cách an toàn và tin cậy cho phụ tải các tỉnh thuộc khu vực Trung Trung Bộ như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Đồng thời, nâng cao năng lực truyền tải và giảm tổn thất cho lưới điện khu vực, đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

CPMB cho biết, được khởi công cuối năm 2019, đến nay, gói thầu cung cấp và vận chuyển dây dẫn, dây chống sét đã phát hành lại hồ sơ mời thầu và dự kiến mở thầu lại vào ngày mai (20/7). Gói thầu cung cấp và vận chuyển cách điện, cáp quang cũng đã mở thầu, phê duyệt xử lý tình huống.

Riêng gói thầu cung cấp và vận chuyển máy biến áp đã ký hợp đồng với nhà thầu Công ty cổ phần Ứng dụng và phát triền Công nghệ thông tin (AIT) với thời gian thực hiện 180 ngày kể từ ngày hiệu lực của hợp đồng; trong đó giao hàng 170 ngày (tháng 12/2020) kể từ ngày hiệu lực của hợp đồng. Gói thầu cung cấp và vận chuyển vật tư thiết bị nhị thứ, thiết bị thông tin và Scada cũng đã ký hợp đồng trong tháng 5/2020 với nhà thầu Công ty Cổ phần Xây lắp điện 1. 

Gói thầu cung cấp và vận chuyển vật tư thiết bị nhị thứ mở rộng ngăn lộ TBA 220 kV Đông Hà cũng đã ký hợp đồng trong tháng 4/2020 với nhà thầu Công ty TNHH Siemens

Đối với gói thầu cung cấp và vận chuyển cột thép, CPMB đã ký hợp đồng với hai nhà thầu Công ty Cổ phần Việt Vương và Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Long trong thời gian 240 ngày. Toàn bộ hàng hóa được giao trong vòng 150 ngày (tháng 8/2020) kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Trong đó 40% khối lượng cột phải được giao trong 120 ngày kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.

Về bồi thường giải phóng mặt bằng dự án này, CPMB cho biết, phần TBA đã kê kiểm xong toàn bộ 11 hộ, đã phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng 9/11 hộ và bàn giao mặt bằng 5/11 hộ. Phần móng đường dây 220 kV đã kê kiểm 82/121 vị trí; trong đó huyện Triệu Phong đã kê kiểm 21/49 vị trí, có thông báo thu hồi đất, chưa có giá đất cụ thể.

Huyện Cam Lộ kê kiểm 19/25 vị trí, đã có thông báo thu hồi đất toàn bộ 25 vị trí; Huyện Đakrông đã kê kiểm toàn bộ 37 vị trí, đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt; Huyện Hướng Hóa kê kiểm 5/10 vị trí, UBND xã đang xét nguồn gốc đất. Phần hành lang tuyến cũng đang hoàn thiện hồ sơ đo đạc giải thửa.

Vướng mắc ở phần TBA theo CPMB là hầu hết các hộ dân không thống nhất hỗ trợ 50% các loại cây trồng xen mà yêu cầu bồi thường 100%. Trong đó, các hộ Nguyễn Thị Mai, Trần Thị Hồng, Nguyễn Văn Ngăn, Mai Xuân Hữu không đồng ý với đơn giá đền bù đất với lý do đơn giá thấp. Hộ bà Trần Thị Hồng và Nguyễn Thị Mai đề nghị thu hồi và bồi thường phần đất manh mún không canh tác được còn lại nằm ngoài mặt bằng trạm. 

Bên cạnh đó, thôn Tân Xuyên yêu cầu các ngành thu hồi đất để hoán đổi làm nghĩa địa thôn trước khi thi công công trình. Từ năm 1998, các hộ Nguyễn Quang Xoài và Nguyễn Văn Thoại (Nguyễn Thị Mai) thuê đất của UBND xã thời hạn 50 năm cả trong và ngoài mặt bằng trạm. Mặc dù vậy, 2 hộ này yêu cầu bồi thường, hỗ trợ đất và cây trồng trên đất.

Ngày 9/7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến đã có buổi làm việc về bồi thường giải phóng mặt bằng dự án TBA 220 kV Lao Bảo và đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo trên địa bàn huyện Hướng Hóa.

Theo ông Lê Đức Tiến, lãnh đạo tỉnh xác định đây là dự án rất quan trọng trong việc phát triển tiềm năng gió, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên khu vực phía tây Quảng Trị nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung. Do vậy UBNT tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND huyện Hướng Hóa và CPMB (đơn vị được EVNNPT giao nhiệm vụ quản lý dự án) phối hợp chặt chẽ, tích cực trong bồi thường giải phóng mặt bằng dự án để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đề ra.

Cụ thể, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu CPMB cử cán bộ phối hợp thường xuyên với UBND huyện Hướng Hóa và các phòng, ban liên quan thuộc huyện kịp thời giải quyết các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng dự án này; đồng thời chỉ đạo các nhà thầu thi công tập trung tiến độ xây lắp các hạng mục công trình, đảm bảo hoàn thành dự án trong tháng 1/2021.

Đối với UBND huyện Hướng Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo: Về tính giá trị bồi thường cây cối, hoa màu bị ảnh hưởng bởi dự án thực hiện theo quy định tại Quyết định 51/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 của UBND tỉnh. Trong đó, lưu ý việc áp dụng phụ lục 02 để đảm bảo công bằng và tối đa quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng.

Đối với giá trị bồi thường cây mắc ca chưa có trong đơn giá, UBNH huyện tổ chức xác định giá trị bồi thường gửi UBND tỉnh và Sở Tài chính, đồng thời Sở này chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Về bồi thường thu hồi nguyên thửa đối với trường hợp diện tích còn lại sau khi thu hồi bị chia cắt thành nhiều mảnh nhỏ, manh mún, Phó Chủ tịch tỉnh giao cho UBND huyện xây dựng phương án cụ thể báo cáo UBND tỉnh rà soát, đề xuất chủ trương thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng cho ý kiến cụ thể về trường hợp hộ ông Nguyễn Quang Xoài. Theo đó, giao UBND huyện rà soát quá trình giao đất, cho thuê đất và đề xuất phương án xử lý gửi UBND tỉnh xem xét. Đồng thời chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND xã và đơn vị liên quan tăng cường đối thoại, vận động, giải thích để rngười dân bị ảnh hưởng chấp hành theo quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu UBND huyện Hướng Hóa khẩn trương thực hiện để đảm bảo hoàn thành giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng TBA 220 kV Lao Bảo trước ngày 20/7, mặt bằng các vị trí móng trước ngày 30/7 và phần hành lang tuyến trước tháng 10/2020.

Đối với Công ty TNHH My Anh-Khe Sanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị công ty chia sẻ, ủng hộ và tạo điều kiện hỗ trợ để CPMB, các đơn vị tư vấn, các phòng, ban chuyên môn của huyện Hướng Hóa khảo sát, đánh giá cụ thể ảnh hưởng, tác động của các vị tri móng và đường dây đối với dự án của công ty. Từ đó có phương án thiết kế, thi công, vận hành tối ưu nhất, ít ảnh hưởng nhất đến dự án của công ty. CPMB có trách nhiệm phối hợp và kịp thời giải thích các băn khoăn của công ty để triển khai thực hiện.

Công ty TNHH My Anh-Khe Sanh cũng có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, sơ bộ đánh giá ảnh hưởng, tác động của đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo đối với sự phát triển của cây mắc ca (nếu có) để báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét có biện pháp khắc phục./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục