Đường giao thông “chằng chịt” vết nứt khi vừa đưa vào sử dụng

09:13' - 08/03/2019
BNEWS Tuyến đường giao thông nông thôn tại xã Liên Hà được xây dựng từ nguồn vốn đối ứng và sự đóng góp của nhân dân vừa hoàn thành mới chỉ 3 tháng nhưng đã xuất hiện nhiều vết nứt “chằng chịt”.
Tuyến đường giao thông nông thôn tại xã Liên Hà (Lâm Hà, Lâm Đồng) chất lượng kém khiến người dân bức xúc. Ảnh: Đặng Tuấn - TTXVN

Một tuyến đường giao thông nông thôn tại xã Liên Hà, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) được xây dựng từ nguồn vốn đối ứng và sự đóng góp của nhân dân vừa hoàn thành mới chỉ 3 tháng nhưng đã xuất hiện nhiều vết nứt “chằng chịt” khiến người dân địa phương bức xúc, nghi vấn về chất lượng.

Dự án đường giao thông nông thôn (nối Đạ Dâng – Sình Công – xã Liên Hà) được phê duyệt vào tháng 3/2018 để đáp ứng nhu cầu đi lại, nhất là trong mùa mưa của người dân.

Công trình có chiều dài 1,6km đường giao thông nông thôn tại thôn Đạ Dâng này mới thi công xong ngày 22/12/2018.

Trong khi chủ đầu tư chưa nghiệm thu công trình thì sau vài tháng, đường đã nứt nẻ, xuống cấp, chất lượng bê tông được người dân đánh giá không đảm bảo.

Đưa nhóm phóng viên TTXVN đi trên con đường bê tông vừa hoàn thành, ông Dương Văn Ba – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thôn Đạ Dâng xã Liên Hà bức xúc, chỉ những vết nứt chằng chịt.

Ông Ba cho biết: “Công trình giao thông nông thôn này được đầu tư từ nguồn vốn đối ứng; trong đó, ngân sách huyện là 2,3 tỷ đồng, còn lại 400 triệu do người dân đóng góp. Theo đó, mỗi hộ gia đình phải đóng 2 triệu đồng, sau đó dựa vào diện tích vườn của mỗi nhà đóng thêm 100.000 đồng/sào cà phê. Hiện công trình hoàn thành 3 tháng thì đường đã bị nứt nhiều và chất lượng bê tông không tốt”.

Ghi nhận của phóng viên, trên một số đoạn đường, dù mới làm nhưng đã có những vết nứt từ tim đường kéo dài hai mép đường. Một số điểm do xe ô tô tránh nhau đã làm vỡ phần bê tông phía mép đường.

Nhặt một miếng bê tông to bằng nắm tay, ông Ha Brưng –60 tuổi, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Đạ Dâng dùng tay bẻ gãy đôi miếng bê tông một cách dễ dàng để chứng minh điều phản ánh.

Ông Ha Brưng cho rằng: “Đoạn đường này chất lượng kém, mới làm xong mà bê tông người dân cầm bẻ cũng vỡ thì khó chấp nhận được. Nếu vào mùa mưa sắp tới mà các xe chở cát đi vào con đường này chắc chắn sẽ hỏng hết. Điều đáng nói là đây là tuyến đường do người dân đóng góp mà họ làm không thông báo, chúng tôi không được giám sát, đường xuống cấp ai chịu trách nhiệm”.

Toàn bộ tuyến phần đường được đổ hoàn toàn bằng bê tông tươi do xe ô tô chở nơi khác đến nên người dân không giám sát được tỷ lệ pha trộn. Nhiều người dân lo lắng khi đường đổ xong được vài tháng nhưng đã xuất hiện nhiều vết nứt.

Họ cảm thấy bức xúc khi một công trình được Nhà nước cùng nhân dân đóng góp, đầu tư tiền tỷ mà chất lượng kém như vậy, dù phương tiện lưu thông chưa nhiều.

Trước sự bức xúc của dư luận, ông Phan Đại Thắng – Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hà, huyện Lâm Hà cho biết, xã đã nhận được ý kiến phản ánh của người dân thôn Đạ Dâng.

Lý giải về đường xuống cấp là do cấp xã không được giám sát, ông Phan Đại Thắng cho biết: "Ngay từ những ngày đầu thi công người dân đã trình báo với UBND xã về những hình ảnh không đảm bảo chất lượng, chúng tôi cũng thấy rằng tuyến đường làm như này là không đảm bảo. Đây là tuyến đường do Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện Lâm Hà làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn đối ứng. Hiện người dân địa phương đã đóng 173 triệu đồng. Mọi việc đều do chủ đầu tư công trình làm hết, xã không được chứng kiến mà chỉ được thông báo".

Theo ông Thắng: "Khi có đoàn tiến hành khoan, cắt lấy mẫu công trình xã cũng không hay biết. Đúng ra, chủ đầu tư cần thông qua xã để tiến hành thành lập Ban giám sát để khi thi công tuyến đường người dân được biết và giám sát chất lượng công trình”.

Trong khi đó, ông Hồ Chánh Lâm Thành – Phó Giám đốc Trung tâm quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện Lâm Hà khẳng định: “Từ khi làm tuyến đường này tại xã Liên Hà cũng như tất cả các địa phương khác, trước khi khởi công chủ đầu tư đều gửi thông báo kèm một bộ hồ sơ cho UBND xã. Bên cạnh đó yêu cầu địa phương thành lập Ban giám sát cộng đồng phối hợp với chủ đầu tư để cùng giám sát trong quá trình thi công”.

Trước bức xúc của người dân, phóng viên TTXVN đã liên hệ với lãnh đạo huyện Lâm Hà nhưng vị Chủ tịch UBND huyện từ chối trả lời phỏng vấn. Việc một số đoạn đường vừa làm xong đã xuống cấp khiến người dân bức xúc là có thật. Vấn đề này cần sự vào cuộc của các ngành chức năng có thẩm quyền nhằm trả lại con đường đúng giá trị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục