Đứt gãy nguồn cung - yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất toàn cầu

06:30' - 06/10/2021
BNEWS Khó khăn trong việc tuyển dụng lại những nhân viên đã bị nghỉ việc tạm thời, tình trạng phong tỏa ở một số nền kinh tế mới nổi làm phức tạp thêm tình trạng đứt gãy nguồn cung.
Sự chậm trễ trong giao hàng và tình trạng thiếu phụ tùng đã khiến giá cả trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau của Đức, trừ sản xuất ô tô, tăng cao. Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis), tính tổng thể, tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 9/2021 đã tăng lên 4,1%, mức cao nhất trong gần 30 năm.

Destatis cho rằng sự gia tăng lạm phát một phần là do hiệu ứng của việc cắt giảm 3% thuế bán hàng, được chính phủ thông qua hồi tháng 7/2020 nhằm chống lại sự sụt giảm kinh tế và giá năng lượng giảm do tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sự tắc nghẽn nguồn cung toàn cầu cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến lạm phát tăng đột biến.

Trong khi việc không có đủ chất bán dẫn khiến các ngành công nghiệp như sản xuất ô tô và điện tử lao đao, thì lĩnh vực xây dựng lại đang phải gánh chịu sự thiếu hụt rất lớn về gỗ, thép và nhựa. Những yếu tố này cũng là một phần nguyên nhân khiến giá cả tăng cao.

Phục hồi không đồng đều

Ngoài những vấn đề toàn cầu trên, sự mất cân đối lớn giữa “cung và cầu” do đại dịch COVID-19 gây ra cũng là một yếu tố được tính đến. Sau khi chiến dịch tiêm chủng tại các nước phát triển được triển khai và các biện pháp phong tỏa dần được nới lỏng, các nền kinh tế đang hồi phục trở lại sau khủng hoảng, với nhu cầu về vật liệu và hàng hóa tăng đột biến. Cùng lúc này, nhiều nhà sản xuất vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng và chỉ mới bắt đầu nâng cao sản lượng. 

Không chỉ khó khăn trong việc tuyển dụng lại những nhân viên đã bị nghỉ việc tạm thời, tình trạng phong tỏa vẫn tồn tại ở một số nền kinh tế mới nổi càng làm phức tạp thêm những vấn đề hiện tại.

Các báo cáo truyền thông gần đây cũng cho biết "người khổng lồ" công nghệ Apple có thể phải đối mặt với tình trạng gián đoạn hoạt động giao hàng liên quan đến mẫu iPhone 13 mới nhất của hãng. Điều này cho thấy rằng những khách hàng tiềm năng phải chuẩn bị tâm lý vì nguồn cung hạn chế trong các cửa hàng.

Tình trạng tạm thời hay kéo dài

Vài tháng trước, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu vẫn lạc quan rằng giai đoạn lạm phát gia tăng do đại dịch COVID-19 gây ra sẽ chỉ là tạm thời, như Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell từng khẳng định hồi tháng 7/2021.

Tuy nhiên, cho đến nay, họ dường như không còn chắc chắn rằng những sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn là yếu tố làm gia tăng lạm phát, có thể sớm được khắc phục. Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde, tại diễn đàn của ECB hôm 29/9, đã bày tỏ lo ngại rằng tình trạng tắc nghẽn nguồn cung - từng được các nhà kinh tế dự báo chỉ kéo dài trong vài tuần nữa, có thể chấm dứt là “không chắc chắn”.

Bà Lagarde khẳng định: “Những nút thắt về nguồn cung và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng... dường như đang tiếp diễn và trong một số lĩnh vực thậm chí đang gia tăng”. Cùng quan điểm này, Chủ tịch Fed Jerome Powell, nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận thấy điều đó có thể tiếp tục diễn ra trong năm tới và giữ lạm phát tăng lâu hơn chúng tôi nghĩ”.

Theo một cuộc thăm dò gần đây do Viện nghiên cứu Ifo của Đức thực hiện, khoảng 77% công ty công nghiệp ở nước này đã gặp phải tình trạng khó khăn liên quan đến nguồn cung nguyên liệu thô và các sản phẩm trung gian do gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Con số này cao hơn 7% so với cuộc khảo sát mà Ifo thực hiện hồi tháng Bảy vừa qua.

Trưởng bộ phận thăm dò dư luận của Ifo, Klaus Wohlrabe, trong báo cáo tháng 9/2021, đã nhấn mạnh rằng: "Các nút thắt về nguồn cung đang ngày càng thắt chặt hơn". Tuy nhiên, có một “tia sáng” đang nổi lên trong lĩnh vực xây dựng của Đức, nơi tình hình đã khả quan phần nào./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục