Duy trì ổn định lãi suất đang chịu nhiều áp lực

18:10' - 22/02/2017
BNEWS Trong mục tiêu điều hành năm 2017, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục duy trì chính sách lãi suất ổn định như năm 2016, nếu có điều kiện sẽ giảm lãi suất.

Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, đây là nhiệm vụ khó khăn của ngành ngân hàng khi vẫn đang tồn tại nhiều áp lực.

Áp lực tăng lãi suất vẫn tồn tại

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định lãi suất sẽ khó giảm trong năm nay. Bởi, mặt bằng lãi suất chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như lạm phát, tỷ giá, nợ xấu, mục tiêu tăng trưởng tín dụng và áp lực từ thị trường tài chính thế giới…

Duy trì ổn định lãi suất đang chịu nhiều áp lực. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Trong báo cáo triển vọng 2017 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt công bố mới đây, nhóm nghiên cứu nhận định, tín dụng hồi phục cộng với mặt bằng lãi suất ổn định đang có sự hỗ trợ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Nhưng, thách thức trong điều hành thị trường tiền tệ đối với Ngân hàng Nhà nước trong năm 2017 vẫn rất lớn khi tăng trưởng tín dụng hồi phục cũng đồng thời tạo ra quán tính tăng thêm lớn hơn cho những năm sau, gây áp lực lên mặt bằng lãi suất và lạm phát.

Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cũng dự báo, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ tăng thêm 0,5-1%/năm trong năm 2017. Có ba lý do giải thích cho áp lực gia tăng lãi suất này.

Thứ nhất, tín dụng được dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức cao (17-18%) nhằm mục tiêu hỗ trợ cho tăng trưởng.

Thứ hai, lạm phát sẽ tiếp tục chịu áp lực gia tăng và đây sẽ là cơ sở để tăng lãi suất danh nghĩa.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cần duy trì một độ rộng hợp lý cho lãi suất VND so với USD, và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến có thêm ba lần điều chỉnh lãi suất nữa trong năm 2017 sẽ gây áp lực tăng lãi suất VND.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, Bộ Tài chính, xu hướng Fed tăng lãi suất trong năm 2017 đã rõ, tuy nhiên nó sẽ không ảnh hưởng mạnh đối với thị trường trong nước, bởi bản thân nền kinh tế Mỹ cũng chỉ tăng trưởng ở mức vừa phải.

TS Nguyễn Đức Độ. Ảnh: BNEWS

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh, nợ xấu vẫn là yếu tố cản lớn đối với lãi suất, giải quyết được nợ xấu thì có thể giảm được lãi suất. Với mặt bằng lãi suất hiện tại thì không cao so với lạm phát, không đáng lo ngại về lạm phát khi nới lỏng tiền tệ để giảm lãi suất trong vài năm tới.

Về phía ngân hàng thương mại, ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, với diễn biến kinh tế vĩ mô hiện nay, lãi suất USD quốc tế dự kiến tăng và áp lực lạm phát, việc ổn định mặt bằng lãi suất của năm 2017 là nỗ lực lớn của các ngân hàng.

Ngay từ đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đưa ra yêu cầu hệ thống ngân hàng phải quyết liệt tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp.

Tại Vietcombank, do đã kiểm soát và xử lý được nợ xấu, cùng với các biện pháp như tiết giảm chi phí quản lý nên sẽ có dư địa để ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay, thậm chí có thể giảm nhẹ lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đối với việc huy động nguồn vốn, ông Phạm Thanh Hà cho biết, Vietcombank chú trọng thu hút nguồn vốn giá rẻ, linh hoạt trong cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động, tiết giảm chi phí quản lý... từ đó, có thể giảm thiểu chi phí huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Mặt bằng lãi suất vẫn đang ổn định

Ngân hàng Nhà nước nhận định, trong những ngày đầu năm 2017 có một vài ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động khoảng 0,1-0,3%/năm. Việc điều chỉnh lãi suất này chỉ diễn ra ở một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, không phản ánh xu hướng chung của toàn thị trường.

Cụ thể, từ đầu tháng 2, gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 7-11 tháng ở Ngân hàng Phương Đông (OCB) sẽ nhận mức lãi suất 6,6-7% mỗi năm, tăng 0,1-0,2% so với trước. Hiện lãi suất cao nhất của OCB là 7,7% với kỳ hạn 13 tháng trở lên.

Trước đó, Eximbank cũng công bố biểu lãi suất mới với tiền đồng, tăng 0,1-0,2% mỗi năm ở một số kỳ hạn. Các ngân hàng như VPBank, DongA Bank, TPBank, cũng đồng loạt cộng thêm 0,1-1,2% mỗi năm cho tiền gửi VND ở một số kỳ hạn ngắn.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, thời gian qua với việc điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, đặc biệt là nghiệp vụ thị trường mở nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống các tổ chức tín dụng dịp cuối năm, thị trường tiền tệ được giữ ổn định, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của toàn hệ thống tiếp tục ổn định.

Hiện, mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thanh khoản hợp lý, điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ nhằm phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất.

Cơ quan này cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn giữ ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động và và nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục