Duyên nợ với phở sạch

09:21' - 15/02/2021
BNEWS Phở Việt Nam từ lâu đã nổi tiếng khắp thế giới và được coi là “di sản văn hóa ẩm thực Việt Nam”.

Với phương châm chất lượng xanh cho cuộc sống Việt, đau đáu tạo ra một sản phẩm phở sạch đúng nghĩa, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương – Giám đốc Công ty CP Sản xuất và Thương mại Song Phương đã kết hợp sản xuất truyền thống và công nghệ hiện đại để cho ra sản phẩm Phở tươi và Phở khô Hà Thành chất lượng và an toàn cho sức khỏe cộng đồng...

*Duyên nợ với phở

Phở là món ăn truyền thống rất đặc sắc và phổ biến của người Việt. Món phở có mặt từ Bắc vào Nam với nhiều hương vị khác nhau tùy từng vùng miền. Không những ở dạng truyền thống, món phở còn được phát triển thành nhiều dạng khác như phở xào và phở cuốn.

Có duyên nợ với phở từ khi sinh ra và lớn lên, chị Nguyễn Thị Phương ở làng nghề sản xuất bún, phở lâu đời mang tính truyền thống Kỳ Thủy, Bích Hòa, Thanh Oai, Hà Nội.

Sau quãng thời gian đi làm cho các doanh nghiệp với đủ các công việc từ kế toán, marketing, chị Phương đã suy nghĩ và thấy cách làm truyền thống không thể đưa sản phẩm đi xa, đến được tay nhiều người tiêu dùng và quan trọng là không bảo quản được lâu. Từ đó, chị đã quyết tâm đi học hỏi để thay đổi cách làm.

Chị đã quyết định mua lại máy sản xuất bánh phở và bắt đầu ở con số 0. Từ sản lượng tiêu thụ ban đầu 300 kg bánh phở tươi, nhờ nghiên cứu và học hỏi ở tất cả các nơi, thậm chí còn làm thuê cho doanh nghiệp, chị Phương đã có kinh nghiệm cho ra phương án làm bánh phở chất lượng mà không cần phụ gia.

Đồng thời, chị đi đăng ký kinh doanh thời điểm năm 2014 và được các cơ quan như thuế rất tạo điều kiện và ủng hộ.

Lý do bởi các cơ quan này cho rằng, lần đầu có một hộ kinh doanh tự nguyện đăng ký và công khai nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo về an toàn thực phẩm, rồi đổi mới về bao bì, phong cách phục vụ khách hàng...

“Tôi đã làm nhiều công việc khác nhau, nhưng cái duyên, nợ với phở truyền thống giúp tôi tràn đầy nhiệt huyết tìm hướng đi cho sản phẩm của làng quê mình”, chị Phương tâm sự.

Kết quả, sản lượng dần đi lên 1 tấn và chị bắt đầu tuyển nhân viên vào làm việc, đào tạo, cho đi tập huấn về an toàn thực phẩm để đảm bảo sản phẩm làm ra chất lượng, an toàn...

“Khi thị trường chấp nhận, tôi đi làm tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm bánh phở ướt. Đến năm 2016, có 7 doanh nghiệp tìm đến hợp tác để đưa sản phẩm ra thị trường, chưa kể các trường học dân lập, công lập, nhà hàng, khách sạn...”, nữ doanh nhân nói.

Khi sản xuất 2 tấn sản phẩm/ngày, chị đã tạm dừng lại không nhận thêm đơn hàng để tập trung vào khâu dịch vụ cho bền vững. Nhờ những nỗ lực của mình, hiện sản lượng phở ướt của chị Phương trung bình xuất ra thị trường 3 tấn/ngày.

*Thành công với sản phẩm mới

Trên thế giới, không ít đất nước đã biết đến phở Việt Nam. Không những vậy, nhiều cửa hàng bán phở mở ra do người Việt ở nước ngoài kinh doanh.

Với bánh phở ướt, người sử dụng sẽ khó có thể để quá 12-24h, nếu không có chất bảo quản dù gạo ngon, chất lượng và kỹ thuật đảm bảo.

Nung nấu ý định làm bánh phở để lâu và có thể đi xa hơn trong kinh doanh, ra được thị trường, chị Phương đã bắt tay vào làm thử bánh phở khô. Nhiều lần thất bại, trả giá hàng tỷ đồng do máy móc, kỹ thuật không đáp ứng.

Nhưng không từ bỏ ý định, quyết tâm tìm hiểu và vay mượn người thân chế tạo máy có công đoạn sấy vòng tròn, khép kín, không phải phơi ra ngoài trời bằng cách cải tiến chu trình sấy từ 3 tầng lền 12 tầng.

“Phải đến 3 lần mới ra được sợi phở khô mỏng, giòn nhưng không vụn, không chất bảo quản, không mốc... do không phải phơi ngoài trời để đảm bảo vệ sinh khi đủ độ sấy cho sản phẩm. Cuộc sống bây giờ hướng tới ăn sạch, ăn ngon, ai cũng biết phở tươi Hà Nội khá nổi tiếng, tại sao mình không làm phở khô đặc trưng của Hà Thành” – nữ doanh nhân này nói.

Chị Phương cho biết, sản phẩm phở Hà Thành mang nét đặc trưng của ẩm thực Hà Nội. Phở khô lấy lượng vừa ăn rửa sạch để ráo nước, cho vào tô, thịt bò đưa vào nước dùng trần chín, tùy sở thích có thể xào thịt bò với món phở tái lăn, hay bỏ thịt lên trên nêm hành, rau mùi và gia vị vừa ăn, chan nước dùng đang sôi là có một tô phở thơm ngon đặc biệt.

Ngoài ra phở Hà Thành còn chế biến phở xào, phở trộn cùng thịt bò, gà, tôm và các loại hải sản cùng các loại rau củ phù hợp với văn hóa ẩm thực vùng miền Việt Nam...

Phở khô Hà Thành được làm nguyên chất từ gạo, không chất bảo quản, không pha trộn bột mì, bột sắn... Duy nhất để tạo ra độ bóng, thơm hơn, lâu hơn cho sản phẩm, chỉ dùng dầu ăn và muối. Đó cũng là lý do phở khô chỉ để được 6 tháng.

Sản phẩm ẩm thực như bún, phở, nếu không có chất bảo quản, sẽ rất khó có thể để trong thời gian lâu dài do hạn sử dụng ngắn, vướng thời gian vận chuyển. Để xuất khẩu, sản phẩm phở khô Hà Thành sẽ phải nghĩ cách áp dụng công nghệ tạo ra sản phẩm sạch, nhưng có hạn sử dụng lâu hơn.

Tuy vậy, chị Phương cho rằng, thị trường trong nước đang rất rộng mở nên sẽ tập trung cho phân khúc này.

Trước mắt sẽ tìm cách đưa sản phẩm vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích... với mong muốn người Việt được dùng các sản phẩm tốt, chất lượng, đảm bảo sức khỏe... lại có thể tiêu thụ được nguồn gạo của người nông dân sản xuất trong nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục