ECB đứng giữa "gọng kìm" lạm phát và nguy cơ suy thoái

05:30' - 15/03/2022
BNEWS Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang phải điều chỉnh lại các dự báo kinh tế để có thể quản lý các hậu quả do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra.

Báo Le Monde (Pháp) cho biết, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang phải điều chỉnh lại các dự báo kinh tế để có thể quản lý các hậu quả do cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra.

Tháng Ba này được ấn định là thời hạn kết thúc "Chương trình mua tài sản khẩn cấp" do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra khi bắt đầu đại dịch và được xem như đánh dấu sự kết thúc mang tính biểu tượng của cuộc khủng hoảng. Thời điểm này cũng đánh dấu sự kết thúc của gói 2.000 tỷ euro (khoảng 2.200 tỷ USD) mà định chế tiền tệ này bơm vào hỗ trợ nền kinh tế khu vực sử dụng đồng euro trong hai năm qua. 

Đối mặt với nạn lạm phát dai dẳng và gia tăng trong nhiều tháng, ECB chuẩn bị lật sang một trang mới, đó là làm sao quản lý các hậu quả do xung đột Ukraine gây ra. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chiến lược của ECB như thế nào?

Cuộc họp của Hội đồng thống đốc tại Frankfurt ngày 10/3 là cuộc họp đầu tiên kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Không có quyết định cụ thể nào được đưa ra, nhưng ECB phải đánh giá chính xác các rủi ro kinh tế trong tình hình hiện nay, đồng thời đưa ra các dự báo sửa đổi về tăng trưởng và lạm phát cho đến năm 2024 để tìm ra quỹ đạo tăng giá. Tính đến tháng Hai, quỹ đạo này được xác định là 5,8% tại khu vực đồng euro, cao gần gấp ba lần so với mục tiêu 2% của ECB.

Lệnh cấm vận nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga mà Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đưa ra quả thực là một đòn đánh chí mạng vào thị trường, có thể gây ra một cú sốc dầu mỏ dữ dội làm đảo lộn mọi dự báo kinh tế. Tệ hơn, đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong gần hai năm, khiến giá các sản phẩm nhập khẩu, chẳng hạn như nhiên liệu, càng tăng thêm.

Tất cả các yếu tố tiêu cực này đều tác động mạnh đến tốc độ tăng trưởng vốn đã được tất cả các nhà chiến lược điều chỉnh xuống mức thấp hơn. Theo Ngân hàng Mỹ, Ủy ban châu Âu (EC) ban đầu dự báo GDP của châu Âu sẽ đạt mức 4% cho năm nay, nhưng giờ đây đã hạ xuống chỉ còn là 2,4%. Tệ hơn, nếu tiếp tục căng thẳng, giá dầu sẽ làm giảm tăng trưởng xuống còn 2% khi mà hoạt động kinh tế trong giai đoạn còn lại của năm nay chắc chắn rơi vào tình trạng đình trệ. Và nếu căng thẳng leo thang, khu vực đồng euro có thể rơi vào suy thoái lần thứ hai sau hai năm.

Trong mọi trường hợp đều thấy có bóng ma kinh tế đình trệ đáng sợ: tăng trưởng chậm kèm theo lạm phát cao. Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan khó giải quyết đối với bất cứ định chế tài chính nào. Chủ tịch ECB Christine Lagarde và các đồng sự của bà hẳn sẽ phải cực kỳ thận trọng. Nếu không có một đòn bẩy thần kỳ để ứng phó với tình thế này, bà chỉ có thể sẵn sàng sử dụng mọi phương án có trong tay theo một cách linh hoạt nhất.

Trước mắt, vấn đề là xác định nhịp độ thoát khỏi chương trình nới lỏng tiền tệ được đưa ra từ trước đại dịch. Ở mức độ lạm phát, trong những tuần gần đây tiếng nói của phe "diều hâu" ngày càng có trọng lượng hơn trong việc kêu gọi nhanh chóng chấm dứt chương trình mua tài sản và bắt đầu tăng lãi suất (hiện ở mức -0,5%) giống như nhiều ngân hàng trung ương khác. Sau khi Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã hai lần tăng lãi suất kể từ tháng 12/2021, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất vào tuần tới, bất chấp xung đột tại Ukraine.

Các thống đốc ngân hàng trung ương châu Âu, trong ngắn hạn, phải lựa chọn giữa lạm phát và suy thoái và đây không phải là một quyết định dễ chịu. Đa số trong hội đồng, bị chi phối bởi phe "bồ câu" tập hợp xung quanh bà Lagarde, sẽ hướng đến ưu tiên quản lý lạm phát, bởi ổn định giá cả là mục tiêu ưu tiên của ECB. Trên thực tế, việc tăng lãi suất sẽ không làm thay đổi giá dầu và khí đốt, vốn có liên quan trực tiếp đến xung đột và các lệnh trừng phạt.

Cho đến nay, ECB luôn cam kết tránh mọi sự xáo trộn cho thị trường tài chính có thể có từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Căng thẳng của thị trường chứng khoán, sự sụt giảm của cổ phiếu ngân hàng liên quan đến các lệnh trừng phạt nhằm vào lĩnh vực tài chính Nga, đang khiến nỗi lo suy thoái xuất hiện trở lại.

Cuối cùng, không giống như các ngân hàng trung ương khác, ECB cũng phải đề phòng nguy cơ phân mảnh trong khu vực đồng euro: chênh lệch lãi suất có thể gây nguy hiểm cho khả năng thanh toán của các quốc gia thành viên mắc nợ nhiều nhất. Trong những ngày gần đây, chênh lệch giữa lãi suất ở Đức và Italy đã tăng lên mức cao nhất kể từ 18 tháng qua.

Không giống như ECB, các ngân hàng trung ương của các nước Đông Âu không phải là thành viên khu vực đồng euro đã không chờ đợi để tăng lãi suất. Nếu không làm vậy, các nước này sẽ phải chạy theo sau lạm phát phi mã. Trong tháng 1/2022, lạm phát lần lượt là 10% ở Ba Lan và Cộng hòa Czech, 8,3% ở Romania, 7,9% ở Hungary. Ngày 8/3, Ngân hàng trung ương Ba Lan đã tăng lãi suất lần thứ 6 kể từ tháng 7/2021 để ấn định lãi suất chủ chốt ở mức 3,5%, trong khi Ngân hàng trung ương Hungary tăng lãi suất 9 lần lên 3,4% và Ngân hàng trung ương Czech tăng lần thứ sáu trong vài tháng để ấn định lãi suất ở mức 4,5%.

Các nước láng giềng của Ukraine, vốn phụ thuộc Nga nhiều hơn phần còn lại của châu Âu về năng lượng, nguyên liệu thô và thị trường xuất khẩu, đang gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc xung đột. Các nước này cũng nằm ở tuyến đầu để chào đón những dòng người tị nạn. Và đây cũng là một gánh nặng khác dẫn đến viện trợ lớn từ EU, khiến cho các vấn đề của châu Âu có thêm một nguy cơ lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục