ECB "không nao núng" trước phán quyết của Đức với chương trình mua trái phiếu chính phủ

10:41' - 08/05/2020
BNEWS ECB sẽ làm mọi thứ cần thiết một cách không nao núng để thực hiện nhiệm vụ của ngân hàng là đảm bảo ổn định vật giá trong khu vực.

Ngày 7/5, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết ngân hàng này "không nao núng" trước phán quyết mới đây của Tòa án Hiến pháp Đức ngăn cản chương trình mua trái phiếu chính phủ mà ECB triển khai từ năm 2015, đồng thời khẳng định ECB sẽ làm "bất cứ điều gì cần thiết" để đưa nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu vượt qua khủng hoảng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trước đó, hôm 5/5, các thẩm phán Tòa án Hiến pháp Đức phán quyết rằng ECB đã vượt quá quyền hạn trong Chương trình mua trái phiếu khu vực công (PSPP) trị giá hàng nghìn tỷ euro, cho rằng chương trình này "không tương ứng với mục tiêu ổn định vật giá" và yêu cầu ngân hàng trung ương Đức Bundesbank phải từ bỏ chương trình này nếu trong vòng 3 tháng không chứng minh được sự cần thiết của chương trình.

Báo Bloomberg News dẫn lời bà Lagarde nêu rõ ECB là một thể chế tài chính của châu Âu có thẩm quyền hoạt động tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu, có trách nhiệm giải trình mọi hoạt động trước Nghị viện châu Âu và thuộc quyền xét xử của Tòa án Tư pháp châu Âu. Theo đó, bà khẳng định ECB sẽ làm mọi thứ cần thiết một cách không nao núng để thực hiện nhiệm vụ của ngân hàng là đảm bảo ổn định vật giá trong khu vực.

Tuy nhiên, Chủ tịch ECB - người cũng từng là một luật sư doanh nghiệp, cựu Bộ trưởng Tài chính pháp Pháp và cựu Tổng giám đốc Quỹ tiền tên quốc tế (IMF) - cho biết bà tán thành những lo ngại được các thẩm phán Đức nêu trong phán quyết, nhấn mạnh ECB cũng chú trọng "tính tương ứng" khi đưa ra các quyết định.     

Một nguồn tin từ ECB cho biết bà Lagarde sẽ tìm "một giải pháp ngoại giao" giúp bảo về tính độc lập của ECB đồng thời đáp ứng những yêu cầu của Tòa án Hiến pháp Đức. Nguồn tin này khẳng định bà Lagarde "không muốn làm căng thẳng vấn đề".

PSPP thực chất là chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đối phó với tình trạng giảm phát và khuyến khích tăng trưởng. PSPP được ECB triển khai từ năm 2015 trị giá 2.200 tỷ euro (2.400 tỷ USD).

Đến cuối tháng 4 vừa qua, số trái phiếu mà Đức đã mua theo PSPP trị giá 533,9 tỷ euro. Bên cạnh chương trình PSPP, mới đây ECB đã triển khai chương trình tương tự mang tên PEPP trị giá 750 tỷ euro (815 tỷ USD) mua trái phiếu chính phủ để hỗ trợ các nền kinh tế khu vực ứng phó với tác động kinh tế của đại dịch COVID-19.

Các thẩm phán Tòa án Hiến pháp Đức yêu cầu ngân hàng trung ương nước này Bundesbank giải trình chi tiết về chương trình PSPP, nếu không đưa ra được những giải trình thỏa đáng trong vòng 3 tháng tới, Bundesbank sẽ không được tham gia chương trình này.

Trong phán quyết, tòa án Đức cũng cho rằng Tòa án Tư pháp châu Âu đã thiếu sót khi không phát hiện ra vấn đề trong chương trình của ECB./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục