Tòa án Đức ra phán quyết về chương trình mua trái phiếu chính phủ của ECB

18:42' - 05/05/2020
BNEWS Tòa án Hiến pháp Đức ngày 5/5 đã ra phán quyết nêu rõ chương trình kích thích kinh tế được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát động từ năm 2015 là trái với luật pháp Đức.

Theo phán quyết của Tòa án tối cao Đức, kế hoạch thu mua trái phiếu có tên Chương trình mua trái phiếu khu vực công (PSPP) của ECB có thể can dự vào chính sách kinh tế (thay vì chính sách tiền tệ) cũng như hỗ trợ trực tiếp chính phủ của các nước châu Âu, trong khi cả hai điều này ECB đều bị cấm thực hiện.

ECB đã triển khai các quyết định mà chưa được Chính phủ liên bang và Quốc hội liên bang Đức kiểm tra và điều này vi phạm Luật Cơ bản (Hiến pháp) của Đức.

Phán quyết cũng yêu cầu cấm Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) tham gia chương trình của ECB sau thời gian quá độ không quá 3 tháng, trừ phi ECB có giải thích rõ ràng hơn.

Điều này có nguy cơ ảnh hưởng tới khả năng hành động của ECB, bởi Bundesbank là cổ đông lớn nhất và chiếm phần đáng kể khối lượng mua trái phiếu chính phủ của ECB.

Với phán quyết nêu trên, Tòa án tối cao của Đức đã ủng hộ một số đơn kiện phản đối việc ECB thu mua trái phiếu chính phủ theo một chương trình bắt đầu từ năm 2015 nhằm thúc đẩy nền kinh tế và giữ lạm phát dưới mức mục tiêu là 2%.

Quyết định của Tòa án Đức đồng thời trái với phán quyết chuẩn y chương trình thu mua trái phiếu của ECB đã được Tòa án Công lý châu Âu đưa ra trước đó.

Tuy nhiên, Tòa án Đức cũng nhấn mạnh quyết định của tòa án có trụ sở tại Luxembourg không ràng buộc với Tòa án Hiến pháp Đức.

Đây cũng là lần đầu tiên một Tòa án hiến pháp ra một quyết định trái với Tòa án công lý châu Âu, điều có nguy cơ gây xung đột về quyền ra quyết định ở cấp độ châu Âu.

Phán quyết của Tòa án Đức không liên quan tới chương trình kích thích nền kinh tế đang được ECB áp dụng để ứng phó với cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

ECB triển khai kế hoạch trên từ năm 2015 đến 2018 để mua trái phiếu chính phủ và các chứng khoán khác trị giá khoảng 2.600 tỷ euro (2.900 tỷ USD), trong số này trên 2.100 tỷ euro đã được chi cho chương trình PSPP./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục