ECB sẽ duy trì chính sách tiền tệ hiện tại để kiểm soát lạm phát

20:13' - 30/06/2021
BNEWS Số liệu lạm phát tháng Sáu có thể thuyết phục Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ nguyên lập trường chính sách tiền tệ hiện nay trong thời gian tới.
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) giảm nhẹ trong tháng Sáu xuống mức 1,9%, nhưng sức ép tăng giá vẫn là lo ngại của các nhà đầu tư.

Theo số liệu của Eurostat, giá năng lượng, yếu tố chính làm tăng lạm phát, tăng 12,5% trong tháng Sáu, sau khi tăng 13,1% trong tháng Năm.

Giá hàng hóa công nghiệp phi năng lượng tăng 1,2%, so với mức tăng 0,7% trong tháng Năm. Giá thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 0,6%, sau khi tăng 0,5%.

Trong số các nền kinh tế lớn, lạm phát tại Đức ở mức 2,1% trong tháng Sáu, tại Pháp là 1,9%, tại Italy là 1,3% và tại Tây Ban Nha là 2,4%.

Trong tháng Năm, lạm phát tại Eurozone ở mức 2%, cao nhất kể từ tháng 10/2018.

Số liệu lạm phát tháng Sáu có thể thuyết phục Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ nguyên lập trường chính sách tiền tệ hiện nay trong thời gian tới. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ đòi hỏi lạm phát tăng liên tục sau giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh.

ECB cho rằng việc lạm phát tăng lên quanh mức mục tiêu 2% là tạm thời, cũng như nhận định tại các nơi khác trên thế giới, khi các ngân hàng trung ương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ siêu nới lỏng nhằm ứng phó với những tác động của đại dịch COVID-19.

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế ngày 29/6 cho rằng việc giá tiêu dùng tăng tại châu Âu và Mỹ là tạm thời.

Các nhà hoạch định chính sách nhận định việc lạm phát tăng chủ yếu do tác động từ việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế sau giai đoạn phong tỏa và các nút cổ chai về nguồn cung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục