ECB: Tăng gấp đôi số người sở hữu tiền điện tử tại Eurozone

07:20' - 20/12/2024
BNEWS Sự quan tâm tới tiền điện tử càng tăng cao sau khi đồng bitcoin vượt ngưỡng 100.000 USD vào đầu tháng 12. 

Ngày 19/12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố báo cáo khảo sát cho thấy, số người tiêu dùng tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sở hữu tiền điện tử đã tăng hơn gấp đôi trong hai năm qua, với phần lớn người sử dụng loại tiền này như một kênh đầu tư.

 

Khảo sát cho thấy 9% số người được hỏi sở hữu tiền điện tử như bitcoin hoặc ether, tăng mạnh so với con số 4% vào năm 2022. Nghiên cứu này được thực hiện trong bối cảnh tiền điện tử ngày càng phổ biến bất chấp các biến động mạnh và những tranh cãi lớn, chẳng hạn như vụ sụp đổ của nền tảng giao dịch FTX.

Sự quan tâm tới tiền điện tử càng tăng cao sau khi đồng bitcoin vượt ngưỡng 100.000 USD vào đầu tháng 12. Mức tăng đột phá này diễn ra sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, khi ông cam kết đưa Mỹ thành "thủ phủ của bitcoin và tiền mã hóa toàn cầu".

Dù vậy, ECB vẫn giữ thái độ chỉ trích đối với tiền điện tử, cho rằng đây không phải là phương tiện thanh toán đáng tin cậy.

Trong số 20 quốc gia thuộc Eurozone, có tới 13 quốc gia ghi nhận tỷ lệ sở hữu tiền điện tử vượt 10%, dẫn đầu là Slovenia với 15%, tiếp theo là Hy Lạp với 14%.

Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, chỉ 6% người tiêu dùng tham gia khảo sát sở hữu tiền mã hóa, trong khi tiền mặt vẫn được ưa chuộng đáng kể.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy người thuộc độ tuổi 25-39 là nhóm sở hữu tiền điện tử cao nhất, tiếp theo là nhóm 18-24 tuổi.

ECB cũng ghi nhận xu hướng rõ ràng rằng phần lớn người dùng chọn tiền điện tử như một phương tiện đầu tư, thay vì sử dụng để thanh toán. Đơn cử tại Hà Lan, 90% số người được hỏi cho biết họ chỉ sử dụng tiền mã hóa để đầu tư, trong khi tỷ lệ này tại Đức là 82%.

Mặc dù tiền điện tử và các phương thức thanh toán hiện đại khác đang tăng trưởng, tiền mặt vẫn chiếm ưu thế về số lượng giao dịch tại Eurozone, với 52% giao dịch tại điểm bán hàng. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã giảm so với năm 2022.

Theo báo cáo của ECB, về giá trị giao dịch, thẻ ngân hàng dẫn đầu với 45%, tiếp theo là tiền mặt và các ứng dụng di động.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục