EEA: Châu Âu cần tăng tốc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn

08:59' - 21/03/2024
BNEWS Theo EEA, hành động quyết định là cần thiết để giảm đáng kể chất thải.
Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cảnh báo châu Âu phải tăng tốc nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế tuần hoàn, tập trung vào việc tái sử dụng vật liệu để giảm chất thải, nhằm đáp ứng các mục tiêu về khí hậu.

Theo EEA, hành động quyết định là cần thiết để giảm đáng kể chất thải. Bên cạnh đó, cần ưu tiên giảm sử dụng tài nguyên, cải thiện tỷ lệ tái chế và giới thiệu các sản phẩm được thiết kế để tuần hoàn ngay từ đầu.

EEA lưu ý Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn rất lâu mới đạt được tham vọng tăng gấp đôi tỷ lệ tuần hoàn của khối này vào năm 2030, đồng thời cho biết thêm rằng chỉ có khả năng thấp tham vọng của EU sẽ đạt được trong những năm tới.

 
Chuyên gia về khí hậu của EEA, Daniel Montalvo, cho rằng EU cần thúc đẩy chính sách bổ sung. Theo EEA, cốt lõi của vấn đề là các mô hình kinh doanh sử dụng các sản phẩm có tuổi thọ rất ngắn. EEA lưu ý các mô hình kinh doanh chủ yếu xoay quanh các sản phẩm sản xuất hàng loạt, nên thường hy sinh chất lượng và điều này dẫn đến hỏng hóc sớm hoặc lỗi thời sớm.

Một nghiên cứu gần đây của EEA cho thấy 4-9% hàng dệt may được đưa vào vào thị trường châu Âu đã bị tiêu hủy mà không hề được sử dụng. Việc xử lý và tiêu hủy hàng dệt may không bán được là nguyên nhân gây ra lượng khí thải CO2 tương đương 5,6 triệu tấn.

Với tỷ lệ tuần hoàn là 11,5% vào năm 2022, châu Âu đang sử dụng nhiều vật liệu tái chế hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Tuy nhiên, tiến độ còn chậm và các chính sách nhằm xử lý chất thải chỉ được đưa ra trong 5 năm qua.

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, EEA đã xác định một số lĩnh vực cần cải thiện cũng như nhu cầu giảm mức tiêu thụ tổng thể. Ví dụ, cần thúc đẩy tái chế chất lượng cao hơn, trong đó các vật liệu giữ được chức năng và giá trị ban đầu càng lâu càng tốt, để giảm nhập khẩu. EEA cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tối đa hóa việc sử dụng và tuổi thọ của sản phẩm thông qua việc tái sử dụng và sửa chữa.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục