EIU: Chuỗi cung ứng châu Á-Thái Bình Dương ứng phó tốt hơn với dịch bệnh

11:43' - 31/08/2021
BNEWS Theo EIU, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp khu vực châu Á-Thái Bình Dương ứng phó với tác động của dịch COVID-19 tốt hơn so với khu vực Âu-Mỹ.

Theo kết quả khảo sát mới nhất do Citibank ủy nhiệm cho EIU (bộ phận phân tích, dự báo và tư vấn rủi ro thuộc Tập đoàn The Economist của Anh) tiến hành, chuỗi cung ứng của doanh nghiệp khu vực châu Á-Thái Bình Dương ứng phó với tác động của dịch COVID-19 tốt hơn so với khu vực Âu-Mỹ, đồng thời triển vọng đối với toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng quốc tế cũng lạc quan hơn nhiều so với doanh nghiệp Âu-Mỹ.

Theo đó, tất cả doanh nghiệp Bắc Mỹ và châu Âu được khảo sát đều cho rằng sẽ cơ cấu lại toàn bộ hoặc tiến hành một số điều chỉnh đối với chiến lược chuỗi cung ứng của mình, trong khi có hơn 30% các doanh nghiệp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương không có kế hoạch điều chỉnh.

Cụ thể, lần lượt có 48% và 40% các nhà hoạch định chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Bắc Mỹ và châu Âu cho rằng, chiến lược quan trọng nhất của họ hiện nay là thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mua nguyên vật liệu từ nhiều nhà cung cấp hơn, hoặc tìm cách bán sản phẩm đến nhiều thị trường hơn. Trong khi đó, chỉ có 24% các doanh nghiệp châu Á coi đây là chiến lược chính của mình.

Báo cáo nhấn mạnh, kết quả khảo sát thể hiện rõ sự khác biệt giữa hai khu vực, phản ánh các nhà hoạch định chuỗi cung ứng châu Á-Thái Bình Dương tương đối ít lo lắng trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị tác động.

Ngược lại các doanh nghiệp Âu-Mỹ lại có thể thoái lui một bước trong chuỗi cung ứng toàn cầu hóa ban đầu, thông qua sách lược khu vực hóa và phân tán hóa để nâng cao sức bền chuỗi cung ứng của mình.

Những động thái của họ cũng đã ám chỉ luận điểm đưa chuỗi cung ứng trở lại nước mình trong một năm rưỡi qua có lẽ không phải chỉ là những lời nói suông.

Đối với việc tại sao các doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương tương đối ít lo lắng, báo cáo cho rằng nguyên nhân là do họ có sự hiểu biết khá tốt về "cú sốc" do dịch bệnh, hoặc trước đó đã trải nghiệm những "cú sốc" tương tự, nên hiểu cách ứng phó như thế nào, chẳng hạn động đất sóng thần và sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011, lũ lụt lớn ở Thái Lan năm 2012 và vụ nổ cảng Thiên Tân (Trung Quốc) năm 2015.

Trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng, chuỗi cung ứng khu vực châu Á-Thái Bình Dương ứng phó với tác động tốt hơn so với kỳ vọng, chỉ có 32,6% doanh nghiệp được hỏi cho biết bị ảnh hưởng đáng kể.

Jayant Menon, chuyên viên nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) tham gia vào quá trình khảo sát cho biết, trừ tình hình gần đây của Ấn Độ, nhìn chung các nền kinh tế châu Á ứng phó dịch bệnh tốt hơn các nước Âu-Mỹ.

Tuy nhiên, lợi thế này đã ít nhiều mất đi do làn sóng dịch bệnh mới bùng phát từ biến thể Delta trong thời gian gần đây và tốc độ tiêm chủng vaccine tương đối chậm.

Cuộc khảo sát này được tiến hành trong thời gian từ tháng 2-3/2021, tổng cộng phỏng vấn 175 nhà hoạch định chính sách cao cấp phụ trách chuỗi cung ứng doanh nghiệp trên toàn cầu.

Đối tượng chính của cuộc khảo sát là các doanh nghiệp châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có 125 giám đốc điều hành ở châu Á, khu vực Bắc Mỹ và châu Âu mỗi nơi phỏng vấn 25 người.

Phạm vi phỏng vấn bao trùm 6 lĩnh vực lớn, lần lượt là ô tô, giày dép và quần áo, ăn uống, sản xuất, công nghệ thông tin/công nghệ/điện tử, y tế/dược phẩm/công nghệ sinh học.    

Trong đó, lĩnh vực sản xuất ô tô chịu cú sốc lớn nhất từ dịch bệnh, hơn 52% cho biết bị tác động rất đáng kể, nhiều hơn 9 điểm phần trăm so với giày dép, áo quần và ngành sản xuất. Ngược lại, các ngành y tế, dược phẩm và công nghệ sinh học, cũng như công nghệ và điện tử bị tác động ít nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục