El Salvador thất bại trong việc sử dụng bitcoin để "cách mạng hóa" nền kinh tế?

06:30' - 13/07/2022
BNEWS Theo bài phân tích được đăng trên The New York Times, một cuộc cách mạng tài chính về việc sử dụng bitcoin để biến đổi nền kinh tế El Salvador của Tổng thống Nayib Bukele khó có thể xảy ra.

Tháng 9/2021, El Salvador đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận tiền điện tử bitcoin là tiền tệ hợp pháp trong giao dịch, sau khi Quốc hội nước này thông qua Luật bitcoin. Tuy nhiên, theo bài phân tích được đăng trên The New York Times, một cuộc cách mạng tài chính về việc sử dụng bitcoin để biến đổi nền kinh tế El Salvador của Tổng thống Nayib Bukele khó có thể xảy ra.

Một chuyên gia tài chính liên quan đến việc áp dụng tiền điện tử ở El Salvador đánh giá rằng Tổng thống Bukele quan tâm đến hình ảnh hơn là quản lý kinh tế tốt. Gần một năm sau khi Tổng thống Bukele gây chấn động thế giới tài chính bằng việc biến đồng tiền kỹ thuật số phổ biến nhất thành đồng tiền lưu hành hợp pháp, "canh bạc" của ông dường như đã thất bại. Khoảng cách giữa lời hứa không tưởng của những người ủng hộ tiền điện tử và thực tế kinh tế đã có khoảng cách lớn.

Trong thời gian thị trường tiền số sụp đổ gần đây, lượng bitcoin nắm giữ của chính phủ đã mất khoảng 60% giá trị giả định. Việc sử dụng bitcoin của người El Salvador đã giảm mạnh và đất nước đang cạn kiệt tiền sau khi ông Bukele không thể huy động vốn mới từ các nhà đầu tư tiền điện tử. 

Tuy nhiên, những thất bại về tài chính đã không ảnh hưởng đến hình ảnh của Tổng thống Bukele. Các cuộc thăm dò cho thấy hơn 8 trong số 10 người Salvador tiếp tục ủng hộ Tổng thống, một phần do chiến lược chống lại các băng nhóm tội phạm và trợ cấp nhiên liệu đã làm giảm bớt tác động của lạm phát toàn cầu. 

Theo các nhà phân tích, sự thất bại của các mục tiêu đã nêu của Tổng thống Bukele với việc áp dụng bitcoin - là mang lại nguồn đầu tư cho đất nước và các dịch vụ tài chính cho người nghèo - đã phơi bày những thiếu sót trong phong cách quản lý tập trung vào việc nâng cao hình ảnh của Tổng thống. Điều này đặt ra câu hỏi về tính bền vững tài chính của kế hoạch đầy tham vọng của ông Bukele nhằm hiện đại hóa El Salvador với chi phí quản lý dân chủ. 

Năm ngoái, Chính phủ của Tổng thống Bukele đã phân bổ tương đương 15% ngân sách đầu tư hàng năm để cố gắng đưa bitcoin vào nền kinh tế quốc gia. Chính phủ đã hỗ trợ 30 USD, gần 1% số tiền mà người El Salvador trung bình kiếm được trong một năm, để mỗi công dân tải xuống ứng dụng thanh toán tiền điện tử do chính phủ hậu thuẫn có tên là Chivo Wallet. Chivo có nghĩa là "mát mẻ" hoặc "tuyệt vời" trong tiếng lóng của người Salvador. 

Ông Bukele tuyên bố rằng gần 3 triệu người Salvador, tương đương 60% người trưởng thành, đã hưởng ứng lời kêu gọi của ông. Tuy nhiên, sau khi chấp nhận ban đầu, việc sử dụng tiền điện tử trong dân đã giảm. Theo một cuộc khảo sát của ba nhà kinh tế Mỹ vào tháng Hai vừa qua và được xuất bản bởi Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, chỉ 10% người dùng Chivo tiếp tục giao dịch bitcoin trên ứng dụng và hầu như không có khách hàng mới nào tải ứng dụng xuống trong năm nay. 

Fernando Alvarez, nhà kinh tế tại Đại học Chicago và là một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết Chính phủ El Salvador đã tạo cho dự án này tất cả động lực để hy vọng, nhưng vẫn thất bại. 

Trong khi, một cuộc khảo sát độc lập của Phòng Thương mại và Công nghiệp El Salvador vào tháng 3/2022 tiết lộ rằng chỉ 14% công ty trong nước đã giao dịch bằng bitcoin kể từ tháng 9/2021. 

Những người El Salvador ở Mỹ cũng đã phớt lờ lời kêu gọi của ông Bukele sử dụng bitcoin để gửi tiền cho người thân ở quê nhà. Theo ngân hàng trung ương El Salvador, các ứng dụng thanh toán bằng tiền kỹ thuật số như Chivo chỉ chiếm chưa đến 2% lượng kiều hối trong 5 tháng đầu năm nay. 

Việc thúc đẩy bitcoin của Tổng thống Bukele đã bị giáng một đòn mạnh hơn nữa bởi đợt bán tháo tiền điện tử toàn cầu đã "xóa sổ" hàng trăm tỷ USD giá trị của các tài sản kỹ thuật số kể từ tháng 3 năm nay. 

Tuy nhiên, bất chấp giá bitcoin giảm, những người đam mê tiền số và các doanh nhân vẫn cho rằng sự ra đời của bitcoin đã biến đổi hình ảnh của El Salvador thành hình ảnh của một nhà tiên phong về công nghệ và tạo ra cơ hội tài chính cho công dân của mình bên ngoài các hệ thống ngân hàng thông thường. 

Các nhà phê bình cho rằng bitcoin cũng đã không thu hút được làn sóng đầu tư như hứa hẹn của các doanh nhân tiền điện tử đến với El Salvador. Chỉ có 48 công ty khởi nghiệp tập trung vào bitcoin đã đăng ký ở El Salvador kể từ khi tiền điện tử được đưa vào sử dụng. 

Sự sụt giá cũng không thể ngăn cản quyết tâm của ông Bukele. Trong một loạt các bài đăng trên Twitter trong năm qua, ông Bukele thông báo rằng chính phủ đã mua tổng cộng gần 2.400 đồng bitcoin kể từ tháng 9/2021, trong các giao dịch có giá trị khoảng 100 triệu USD. “Bitcoin là tương lai!”, Tổng thống Bukele đã đăng trên Twitter vào ngày 30/6 sau khi thông báo về giao dịch mua mới nhất của chính phủ trong bối cảnh một đợt bán tháo tiền điện tử đang diễn ra. 

Theo tính toán được thực hiện vào tuần trước bởi tạp chí Disruptiva, xuất bản bởi Đại học Francisco Gavidia của San Salvador, cho đến nay, các giao dịch tiền số của ông Bukele đã khiến đất nước mất khoảng 63 triệu USD. Các khoản lỗ đang gia tăng khi chính phủ phải vật lộn để trợ cấp cho chi phí nhập khẩu thực phẩm và nhiên liệu đang gia tăng cũng như để trả một khoản nợ sắp tới. 

Sự sụp đổ về giá tiền điện tử đã làm "trật bánh" một trụ cột chính trong thử nghiệm tài chính của ông Bukele: Việc phát hành trái phiếu chính phủ được hỗ trợ bằng bitcoin đầu tiên trên thế giới. 

Phát hành thành công trái phiếu bitcoin sẽ cho phép chính phủ của ông Bukele vượt qua các tổ chức tài chính truyền thống, chẳng hạn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). 

Sau khi công bố phát hành trái phiếu trị giá 1 tỷ USD bằng bitcoin, Chính phủ El Salvador đã hoãn dự án vô thời hạn vào phút cuối vào tháng Ba vừa qua, khi cho rằng căng thẳng ở Ukraine đã làm xấu đi các điều kiện tài chính toàn cầu. Các nhà kinh tế cho rằng điều này khiến El Salvador không có nhiều lựa chọn tốt để thanh toán cho khoản nợ 800 triệu USD đến hạn vào tháng Một năm sau, hoặc các khoản thanh toán nợ tiếp theo trong những năm sau đó. 

Cuối cùng, ông Bukele sẽ phải đối mặt với quyết định khó khăn là cắt giảm mạnh chi tiêu công, có nguy cơ khiến người dân tức giận, hoặc đẩy đất nước vào tình trạng vỡ nợ. Một vụ vỡ nợ có thể làm gián đoạn hoạt động nhập khẩu cơ bản, giảm tốc độ tăng trưởng và thậm chí là tạo ra sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục