EU áp dụng quy định mới về viện trợ nhà nước nhằm giảm khí thải carbon

12:16' - 22/09/2020
BNEWS EC đã công bố hướng dẫn mới về viện trợ nhà nước để ngăn chặn các công ty kinh doanh trong các lĩnh vực gây ô nhiễm chuyển hoạt động sang các nước ngoài EU, nơi áp dụng các tiêu chuẩn thấp hơn.

Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố hướng dẫn mới về viện trợ nhà nước trong nỗ lực ngăn chặn các công ty kinh doanh trong các lĩnh vực gây ô nhiễm chuyển hoạt động sang các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU), nơi áp dụng các tiêu chuẩn khí hậu thấp hơn.

Hướng dẫn mới về viện trợ nhà nước đối với Hệ thống mua bán khí thải (EST) sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2021, thay thế các hướng dẫn trước đó được thông qua vào năm 2012.

Hướng dẫn mới nhằm mục đích giảm thiểu nguy cơ rò rỉ carbon, xảy ra khi các công ty chuyển hoạt động sang các quốc gia ngoài EU - những nơi có chính sách chống biến đổi khí hậu ít tham vọng hơn.

Theo EC, điều này dẫn đến sự giảm sút hoạt động kinh tế trong EU và không giúp giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.

Theo hướng dẫn mới, khoản viện trợ sẽ được thiết kế hướng tới các ngành có nguy cơ rò rỉ carbon do chi phí phát thải gián tiếp cao và mức độ tiếp xúc mạnh mẽ với thương mại quốc tế. Ước tính có 10 phân ngành chính và 20 phân ngành phụ đủ điều kiện nhận hỗ trợ.

Hướng dẫn mới trên được thông qua sau gần 1 tuần sau khi Chủ tịch EC Ursula von de Leyen cho biết EU nên cam kết các mục tiêu cắt giảm mạnh hơn khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong thập kỷ tới, đồng thời cam kết sử dụng trái phiếu xanh để tài trợ cho các mục tiêu khí hậu của mình.

Theo bà Leyen, EU cần đặt mục tiêu cắt giảm ít nhất 55% khí thải CO2 vào năm 2030 so với mức ghi nhận trong năm 1999, thay vì mức cắt giảm 40% như hiện nay.

Sự điều chỉnh này phù hợp với "Thỏa thuận Xanh" đầy tham vọng được EC công bố hồi tháng 12/2019, qua đó vạch ra lộ trình nhằm đưa châu Âu trở thành lục địa đầu tiên không khí thải (chỉ tiêu khí thải bằng 0) vào năm 2050.

"Thỏa thuận Xanh" đòi hỏi 27 nước thành viên EU phải cân bằng lượng khí thải gây ô nhiễm và loại bỏ khí gây hiệu ứng nhà kính - chẳng hạn bằng cách sử dụng công nghệ thu giữ carbon hoặc tái trồng rừng - trong vòng 30 năm tới.

Đây được xem là một động lực cho cuộc cách mạng kinh tế giúp châu Âu phát triển bền vững và đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục