EU cân nhắc công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường

15:42' - 12/01/2016
BNEWS EU sẽ lần đầu tiên tranh luận về một vấn đề chính trị nhạy cảm liên quan đến việc có công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường vào tháng 12 tới hay không.

Liên minh châu Âu (EU) sẽ có bước đi đầu tiên nhằm thay đổi mối quan hệ thương mại với Bắc Kinh trong ngày 13/1 với cuộc tranh luận về chủ đề trên.

EU cân nhắc công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường. Ảnh: euractiv.com

Tuy nhiên, trong nội bộ khối đang diễn ra nhiều luồng ý kiến trái chiều về việc làm thế nào để vừa nới lỏng các biện pháp bảo hộ thương mại để tránh chọc tức Trung Quốc, vừa làm thế nào để bảo vệ các ngành công nghiệp then chốt trước làn sóng hàng hóa nhập khẩu giá rẻ tới từ quốc gia này.

Điều mà Trung Quốc coi là quyền lợi của họ sau 15 năm nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là được công nhận là nền kinh tế thị trường.

Có ý kiến cho rằng việc Trung Quốc có được sự công nhận này sẽ khiến châu Âu gặp khó trong việc áp đặt các loại thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc, vốn được bán với giá thấp hơn bình thường, đồng thời thay đổi tiêu chuẩn quyết định mức giá phải chăng.

Theo một nghiên cứu của 25 liên đoàn chế tạo châu Âu, ước tính EU có thể mất 3,5 triệu việc làm nếu dỡ bỏ các biện pháp bảo hộ thương mại khi làm ăn với Trung Quốc.

Quyết định cuối cùng của khối, cùng với các chính phủ EU và Quốc hội châu Âu, hoặc sẽ khiến Trung Quốc bất bình hoặc vấp phải phản ứng mạnh từ phía chính các nhà sản xuất EU và Washington - vốn cho rằng không có lý do gì để coi nền kinh tế định hướng nhà nước như Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường.

EC là cơ quan lãnh trách nhiệm đưa ra quyết định đầu tiên, và phải công bố các lý do cụ thể dẫn tới quyết định của mình, đồng thời phải tìm cách duy trì các biện pháp bảo hộ thương mại trong giai đoạn chuyển tiếp - điều sẽ gặp phải sự phản ứng của nhiều ngành, gồm có các nhà sản xuất thép, hóa chất và hàng dệt may.

Giới quan sát cho rằng EC có thể duy trì các loại thuế hiện hành cho tới khi chúng hết hạn - thường là 5 năm - và sau đó tăng thuế đánh vào các mặt hàng được trợ giá không theo quy định.

Giới chức Trung Quốc nói rằng họ có thể linh hoạt chấp nhận giai đoạn chuyển tiếp ứng với từng ngành công nghiệp cụ thể của châu Âu.

Hiện EC chưa có kế hoạch đưa ra quyết định cuối cùng trước mùa Hè tới, song ủy ban có thể hội kiến với các chính phủ EU (sớm nhất) vào ngày 2/2 tới, khi các bộ trưởng thương mại EU nhóm họp tại Amsterdam.

EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, chỉ sau Mỹ.

Trong năm 2014, các nước EU đã nhập khẩu khoảng 302 tỷ euro (tương đương 330 tỷ USD) hàng hóa từ Trung Quốc, cao gấp ba lần thời điểm đầu thế kỷ 21 này.

Việc được coi là nền kinh tế thị trường là một yếu tố quan trọng bởi nó sẽ quyết định tiêu chuẩn xác định thế nào là bán phá giá hàng hóa. Với các nền kinh tế thị trường, việc thử bán phá giá là để xem xem liệu giá xuất khẩu một sản phẩm nào đó có thấp hơn giá nội địa hay không./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục