EU khẳng định không đàm phán thương mại với Mỹ nếu có rủi ro

20:04' - 02/05/2018
BNEWS Ông Jean - Claude Juncker khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán với Mỹ, song từ chối đàm phán nếu có rủi ro".
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ ngày 23/3. THX/TTXVN

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ngày 2/5 tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ không chấp nhận rủi ro trong các cuộc đàm phán với Mỹ nhằm đảm bảo có được quyết định miễn hoàn toàn việc áp thuế của Mỹ đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ EU.

Phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP), ông Jean-Claude Juncker nói: "Tôi muốn nhắc lại lời kêu gọi rằng quyền miễn trừ đối với các mặt hàng trên của EU phải được đưa ra vô điều kiện và lâu dài. Chúng tôi cho rằng Mỹ không thể lấy các lý do an ninh quốc gia để biện minh cho việc áp đặt các biện pháp thuế".

Ông Jean - Claude Juncker khẳng định: "Chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán với Mỹ, song từ chối đàm phán nếu có rủi ro".

Trước đó, ngày 30/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố quyết định lùi việc áp đặt thuế lần lượt là 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico thêm 30 ngày (cho tới ngày 1/6), đồng thời đề xuất với các đồng minh chủ chốt này khả năng hoãn thực thi quyết định trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Tuy nhiên, EU đã tỏ ý thất vọng về quyết định chỉ gia hạn miễn thuế của Washington, cho rằng điều này càng "kéo dài bất ổn", đồng thời kêu gọi Mỹ miễn trừ vĩnh viễn các khoản thuế trên.

Hồi tháng 3 vừa qua, Tổng thống Trump quyết định tăng các mức thuế đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu, làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ từ các đối tác thương mại trên toàn cầu.

EU và các đồng minh khác của Mỹ không chỉ quan ngại các mức thuế mới này sẽ hạn chế số lượng hàng hóa được xuất sang Mỹ, mà còn lo lắng lượng thép bị cấm nhập khẩu sẽ tràn vào thị trường nội địa, khiến nguồn cung dư thừa.

Tổng thống Trump đã ra lệnh tạm hoãn việc áp dụng khoản thuế nhập khẩu mới này đối với một số đối tác trong khi tiến hành thảo luận để tìm kiếm một giải pháp dài hạn hơn.

Bên cạnh EU, 6 nước được tạm thời được miễn trừ bao gồm Argentina, Australia, Brazil, Canada, Mexico và Hàn Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục