EU lên kế hoạch quản lý khủng hoảng sau bê bối trứng bẩn

07:43' - 27/09/2017
BNEWS Ngày 26/9, EC thông báo sẽ chú trọng vào kế hoạch mới về quản lý khủng hoảng vệ sinh an toàn thực phẩm sau vụ bê bối trứng bẩn xảy ra vào mùa Hè vừa qua.
EU lên kế hoạch quản lý khủng hoảng sau bê bối trứng bẩn. AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 26/9, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo sẽ chú trọng vào kế hoạch mới về quản lý khủng hoảng vệ sinh an toàn thực phẩm sau vụ bê bối trứng bẩn xảy ra vào mùa Hè vừa qua, đồng thời cho biết không thực hiện sự trừng phạt nào.

Ủy viên châu Âu phụ trách y tế Vytenis Andriukaitis tuyên bố đây không phải vụ việc trừng phạt và chỉ rõ rằng mỗi một nước thành viên đã hành động trong khuôn khổ luật pháp nước mình.

Tuyên bố được ông Vytenis Andriukaitis đưa ra sau cuộc họp giữa các quan chức cấp cao về cuộc khủng hoảng trứng nhiễm độc để rút ra những bài học kinh nghiệm.

EC cam kết sẽ phát triển một kế hoạch quản lý đối với các sự cố liên quan đến thực phẩm cho con người và vật nuôi.

EC cũng đưa ra ưu tiên liên kết tốt hơn hai hệ thống cảnh báo FFN và RASFF và nghiên cứu khả năng kết hợp hai hệ thống này trên một nền tảng chung.

Các quan chức tham dự cuộc họp cũng thống nhất cùng làm việc để thành lập một mạng lưới liên lạc đóng vai trò như các điểm truy cập của các hồ sơ về thực phẩm.

Trứng nhiễm thuốc trừ sâu Fipronil, một sản phẩm bị cấm trong chuỗi sản xuất thực phẩm, đã có mặt tại 25/28 nước EU, trừ 3 nước Croatia, Litva và Bồ Đào Nha.

Vụ việc này có nguyên nhân từ việc sử dụng sai phép chất Fipronil dùng để diệt bọ đỏ cho gà tại một doanh nghiệp của Hà Lan và có liên quan đến một nhà cung cấp các sản phẩm y tế của Bỉ.

Hai công ty này đã và đang bị điều tra tại Bỉ và Hà Lan.

Hai nước Bỉ và Hà Lan bị chỉ trích vì đã không thực hiện việc báo động nhanh chóng hơn về các nguy cơ lây nhiễm.

Bỉ, quốc gia đã bày tỏ lo lắng đầu tiên sau khi một trang trại của họ phát hiện có chất Fipronil trong trứng của mình, đã ngay lập tức trao đổi với Hà Lan thông qua Mạng lưới chống gian lận thực phẩm (FFN).

Và phải nhiều tuần sau, cảnh báo mới được đưa ra trên cấp độ châu Âu thông qua Hệ thống cảnh báo nhanh về các sản phẩm lương thực, thực phẩm dành cho người và thức ăn gia súc (RASFF).

5 nước thành viên bị ảnh hưởng nhiều nhất là Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan và Áo đã đưa ra một loạt các biện pháp để cải thiện việc trao đổi thông tin giữa các nước thành viên, đồng thời ủng hộ ý tưởng cho ra đời các đơn vị liên lạc nói trên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục