EU muốn tái cân bằng quan hệ kinh tế với Trung Quốc

14:38' - 08/06/2021
BNEWS Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, EU muốn tái cân bằng mối quan hệ kinh tế ới Trung Quốc thông qua một thỏa thuận đầu tư.

Ngày 7/6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã lên tiếng bảo vệ những nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đạt được một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc.

Động thái này diễn ra trước thềm các hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ, có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch Michel nhấn mạnh nỗ lực hàn gắn của Tổng thống Biden đánh dấu sự trở lại của mối "quan hệ đối tác bền chặt" sau những căng thẳng dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.

Ông cũng khẳng định châu Âu sẽ không phủ nhận các giá trị cũng như quyền tự do cơ bản trong chính sách đối với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Tuy nhiên, ông bảo vệ nỗ lực của Brussels nhằm đạt được Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) với Bắc Kinh, vốn bị trì hoãn gần đây. Ông nêu rõ: "Chúng tôi muốn tái cân bằng mối quan hệ kinh tế của mình với Trung Quốc".

Theo Chủ tịch Michel, trong những năm qua, EU đã quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho các nước khác, trong đó có Trung Quốc, tiếp cận thị trường chung châu Âu, song vẫn thiếu sự công bằng và "có đi, có lại".

Đó là lý do năm ngoái EU nỗ lực đẩy nhanh các cuộc đàm phán về thỏa thuận đầu tư trên. Dù thừa nhận vẫn còn một số ý kiến trái chiều về thỏa thuận này, song ông tin rằng tiến trình đàm phán là một bước tiến lớn và đang đi đúng hướng.

Ông nhấn mạnh CAI sẽ tạo thuận lợi cho các công ty châu Âu đầu tư vào Trung Quốc và cũng sẽ có những cam kết của giới chức Trung Quốc về các quyền lợi xã hội dựa trên thỏa thuận được đề xuất này.

EU và Trung Quốc đã hoàn tất Hiệp định toàn diện về đầu tư vào tháng 12/2020 sau 7 năm đàm phán khó khăn.

Tuy nhiên, hồi tháng 5 vừa qua, các nghị sĩ của Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua quyết định từ chối việc xem xét Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI) giữa EU-Trung Quốc cho đến khi Bắc Kinh tháo dỡ trừng phạt đối với các chính trị gia và học giả châu Âu.

Trước đó, Ủy viên EU phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton cũng cho biết hiệp định này thực tế mới chỉ là "ý định chứ chưa phải là một thỏa thuận" và có thể sẽ phải mất thời gian dài đàm phán nữa trước khi trở thành hiện thực.

Hiệp định CAI được kỳ vọng sẽ giúp các công ty châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn.

Thỏa thuận này nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng cho các các doanh nghiệp châu Âu làm ăn tại Trung Quốc.

Văn kiện này cũng sẽ giúp tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty châu Âu và cấm ép buộc chuyển giao công nghệ, trong đó bao gồm cả những cam kết về chống biến đổi khí hậu và đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU vào Trung Quốc đã đạt hơn 140 tỷ euro trong 20 năm qua, trong khi đầu tư từ Trung Quốc vào khối này đạt gần 120 tỷ euro.

Các lĩnh vực chính mà các công ty EU đầu tư vào Trung Quốc là ô tô, vật liệu cơ bản (bao gồm hóa chất), dịch vụ tài chính, nông nghiệp thực phẩm và các sản phẩm tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục