EU nới lỏng kỷ luật tài chính với các nước tiếp nhận dân di cư

11:00' - 29/10/2015
BNEWS Chủ tịch Jean-Claude Juncker của EC hứa sẽ áp dụng mềm dẻo hiệp ước với trường hợp ngân sách các nước bị ảnh hưởng nặng do các chi phí tiếp nhận và phân bổ người di cư.
Ứng phó với những tổn thất kinh tế do vấn đề người di cư mạng lại đối với các quốc gia châu Âu, EC đã đồng ý nới rộng cac điều khoản tài chính đối với các quốc gia thuộc tuyến đầu. Ảnh: TTXVN

Ngày 28/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố sẽ nới lỏng các quy định về kỷ luật tài chính đối với các nước tuyến đầu, hiện đang vất vả ứng phó với làn sóng di cư đang đổ vào châu Âu.

Italy, Áo là các quốc gia ở tuyến đầu, cùng với Bỉ, đã yêu cầu Brussels áp dụng một điều khoản của Hiệp ước ổn định và tăng trưởng châu Âu, theo đó thâm hụt ngân sách của một quốc gia được phép vượt quá 3% GDP trong “các trường hợp đặc biệt”.

Tại Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Jean-Claude Juncker hứa sẽ áp dụng mềm dẻo hiệp ước với trường hợp ngân sách các nước bị ảnh hưởng nặng do các chi phí tiếp nhận và phân bổ người di cư.

Bên cạnh đó, ông Jean-Claude Juncker cũng chỉ trích những quốc gia không thực hiện các cam kết đóng góp tài chính cho nỗ lực chung của toàn Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư. Hiện tại trong số 4 tỷ euro cam kết bổ sung, vẫn còn thiếu hơn 2 tỷ euro.

Trong một diễn biến liên quan, đài Radio Praha của CH Czech (Séc) cùng ngày đưa tin người đứng đầu Nhóm Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung euro (Eurogroup), ông Jeroen Dijsselbloem, đã đề xuất cắt một phần khoản tài trợ từ quỹ đoàn kết của EU đối với các nước từ chối tiếp nhận người tị nạn, trong đó có CH Czech, Ba Lan và Hungary.

Trước đó Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel cũng đã đưa ra quan điểm tương tự song người phát ngôn EC nói rằng hiện không có một cơ sở pháp lý nào để cắt giảm viện trợ của những nước không tuân thủ cơ chế phân bổ người tị nạn của khối.

Trong tháng 9/2015 các nước EU đã thông qua quyết định tái phân bổ 120.000 người tị nạn hiện đang tạm trú tại Italy và Hy Lạp. CH Czech cùng với Slovakia, Ba Lan và Romania đã kiên quyết phản đối biện pháp này, đồng thời kêu gọi bảo lưu nguyên tắc tự nguyện tiếp nhận người tị nạn. CH Czech cũng phản đối việc áp dụng cái gọi là “cơ chế thường trực tái phân bổ người xin tị nạn” hiện đang được thảo luận trong nội bộ EU./.

TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục