EU tìm cách chuyển đổi ngành sản xuất than đá

06:30' - 12/07/2017
BNEWS EC đang nghiên cứu nhiều dự án để hỗ trợ các khu vực chuyên khai thác mỏ sản xuất than, đặc biệt là các nước Đông Âu, trong việc chuyển đổi sang một nền kinh tế với lượng khí thải carbon thấp.
EU tìm cách chuyển đổi ngành sản xuất than đá. Ảnh: Reuters

Trong một hội nghị tổ chức tại Cộng hòa Czech, các công ty khai thác mỏ đánh giá EU có thể "đoạn tuyệt" với kỷ nguyên than đá, nhưng sẽ cần vài chục năm nữa để tất cả các nước châu Âu hoàn toàn rời bỏ sử dụng nguyên liệu hóa thạch này.

Phó Chủ tịch Hiệp hội châu Âu về than (Eurocoal) Vladimír Budinský cho biết các mỏ than ở một số quốc gia quốc gia như Pháp và Bỉ đã ngừng hoạt động từ những năm 1950 và 1960.

CH Czech sẽ ngừng khai thác than đá vào giữa thế kỷ này, còn Ba Lan có lẽ là vào cuối thế kỷ.

Ông nói thêm rằng ngành công nghiệp than tôn trọng các mục tiêu châu Âu về khí hậu và năng lượng đồng thời khối này cũng mong muốn chuyển đổi lĩnh vực năng lượng dựa trên điều kiện đặc thù của mỗi nước.

Cuộc thảo luận được tổ chức tại Ústí nad Labem, phía Tây Bắc của CH Czech, vốn là khu vực khai thác than non chủ yếu của đất nước này và là nơi có nhiều nhà máy nhiệt điện.

Một cố vấn cho Bộ trưởng Công nghiệp của Czech cho biết từ nay đến năm 2040, chỉ có nhà máy nhiệt điện Ledvice còn hoạt động trong khu vực, theo pháp luật hiện hành và tuổi khấu hao của các nhà máy hiện có.

Hiện nay, 48% sản lượng điện của Czech được sản xuất từ than. Đất nước không thể đột ngột ngừng sử dụng than vì điều đó gây ra sự ngưng trệ ngay lập tức và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Theo số liệu Eurocoal, đến năm 2015, có gần 8.000 lao động trong ngành công nghiệp than non tại CH Czech. Con số này là 9.500 tại Ba Lan, 10.600 ở Romania, 11.700 tại Bulgaria và gần 15.500 ở Đức.

Vì lý do này mà các khu vực khai thác khoáng sản phải được giúp đỡ để giải quyết những hệ lụy của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.

Năm 2016, Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Âu (EESC) đã công bố báo cáo nghiên cứu về các hệ quả của việc chuyển đổi năng lượng trong các khu vực hiện vẫn còn hoạt động khai thác than và vai trò của các biện pháp ủng hộ những khu vực này vì mục tiêu khí hậu và năng lượng chung của EU.

Không chỉ thực hiện nghiên cứu, EC cũng đang bắt tay vào dự án "Gói năng lượng tham vọng" với cam kết hỗ trợ phù hợp cho các khu vực hiện vẫn phụ thuộc nhiều vào ngành khai thác than.

Sáng kiến này được tiến hành bởi những người có trách nhiệm phụ trách phát triển khu vực, việc làm, năng lượng, giao thông và các nhà nghiên cứu phát triển.

EESC cũng vạch kế hoạch thành lập các nhóm chuyên gia trực tiếp làm việc tại thực địa và thông báo cho các bên liên quan trong từng khu vực.

Ngoài ra, các tài liệu nền tảng, cung cấp cho các đại diện địa phương và khu vực cái nhìn tổng thể về các công cụ cũng như vốn tài chính dự kiến hỗ trợ cho các khu vực trong diện chuyển đổi kinh tế cũng đang được chuẩn bị và sẽ sẵn sàng trong vài tháng tới.

Trên thực tế, EC đã triển khai một số quỹ dành cho các vùng khó khăn như Quỹ điều chỉnh toàn cầu hoá châu Âu (EGF) - cung cấp hỗ trợ cho những người bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu với ngân sách hàng năm là 150 triệu euro trong giai đoạn 2014-2020.

Ngoài ra, cũng trong giai đoạn này, Quỹ xã hội châu Âu (ESF) cũng sẽ dành ít nhất 1,1 tỷ cho việc cải thiện hệ thống giáo dục và đào tạo cho các khu vực cần phải thích nghi với việc chuyển đổi kỹ năng và tạo việc làm mới trong các lĩnh vực năng lượng và môi trường.

Sáng kiến của EC có thể sẽ không chỉ tập trung vào các khía cạnh xã hội và tài chính, mà còn đẩy mạnh nghiên cứu, sáng chế và phát triển công nghệ mới, trong đó có công nghệ sạch trong ngành than./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục