EU: WTO là nơi tốt nhất để giải quyết các tranh chấp thương mại

20:41' - 06/04/2019
BNEWS EU tin rằng WTO là nơi tốt nhất để giải quyết các tranh chấp thương mại, song cơ quan này cần được cải tổ để giải quyết những vấn đề liên quan tới Mỹ cũng như các mối quan tâm riêng của họ.
EU tin rằng WTO là nơi tốt nhất để giải quyết các tranh chấp thương mại. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Một thông báo chung do các Bộ trưởng Tài chính thuộc Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 6/4 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo tài chính từ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng hợp tác giải quyết “nguyên nhân gốc rễ” của căng thẳng thương mại toàn cầu vốn được cho là yếu tố đang đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ gặp nhau tại Washington, Mỹ, vào ngày 11-12/4 tới đây để thảo luận về những thách thức chính đối với nền kinh tế thế giới.

Trong thông báo chung, EU nói rằng cộng đồng quốc tế phải cùng giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của căng thẳng thương mại bằng cách xây dựng một sân chơi bình đẳng và có tính mở cho hoạt động trao đổi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Thông báo chung cũng nêu rõ EU tái khẳng định cam kết duy trì nền kinh tế toàn cầu mở và dựa trên các quy tắc, ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là trung tâm và tiếp tục gìn giữ các mối quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế.

EU tin rằng WTO là nơi tốt nhất để giải quyết các tranh chấp thương mại, song cơ quan này cần được cải tổ để giải quyết những vấn đề liên quan tới Mỹ cũng như các mối quan tâm riêng của họ.

Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành các vòng đàm phán nhằm chấm dứt tranh chấp thương mại đã kéo dài nhiều tháng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và khiến thị trường toàn cầu chao đảo. Những kỳ vọng về một thỏa thuận đã tăng lên sau khi cả Washington và Bắc Kinh đều tỏ ra lạc quan sau cuộc hội đàm tại Bắc Kinh hồi tuần trước.

Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc ngày 5/4 đã kết thúc vòng đàm phán mới nhất sau ba ngày làm việc tại thủ đô Washington và hai bên dự kiến sẽ tiếp tục đàm phán để giải quyết những vấn đề tồn đọng nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài suốt 9 tháng qua.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng phát từ giữa năm 2018, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn duy trì các mức thuế bổ sung đang áp với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi Bắc Kinh thực thi các cam kết một cách đều đặn, trong khi Trung Quốc kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lập tức các mức thuế bổ sung trên sau khi một thỏa thuận thương mại song phương được ký kết.

Đến nay, phía Trung Quốc đã đưa ra nhiều nhượng bộ với Washington, trong đó cam kết tăng mua hàng hóa của Mỹ như đậu nành để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Một nguồn tin cho biết Bắc Kinh rất khó có thể nhượng bộ thêm.

Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu bản mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, nhịp độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế hàng năm của Mỹ sẽ bị giảm đi 0,3-0,6% và đối với Trung Quốc là 0,5-1,5%.

>>> Hội nghị thượng đỉnh G20​: Lãnh đạo các nước lớn gặp gỡ bên lề

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục