Eurozone có rút được bài học lớn từ khủng hoảng nợ Hy Lạp?

19:45' - 20/08/2018
BNEWS Mặc dù khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đã được giải quyết nhưng các nhà kinh tế vẫn lo lắng về khả năng khu vực Eurozone dễ bị tác động bởi những cuộc khủng hoảng khác trong tương lai.
Người dân mua sắm thực phẩm, hoa quả tại một khu chợ ở Hy Lạp. Ảnh: TTXVN phát

Hy Lạp đã bỏ lại phía sau chín năm lao đao nợ nần kéo dài vào ngày 20/8. Nhưng bất chấp nhưng lời lẽ lạc quan, các nhà kinh tế vẫn lo lắng về khả năng Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) dễ bị tác động bởi những cuộc khủng hoảng khác trong tương lai.

Theo giáo sư Charles Wyplosz chuyên về vấn đề kinh tế quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển tại Geneva (Thụy Sỹ), cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp đã không hề được giải quyết dứt điểm mà chỉ bị trì hoãn.

Giao sư Wyplosz cho hay Athens thậm chí sẽ không bắt đầu trả phần lớn trong khoản nợ khổng lồ của nước này cho đến năm 2032. Trong khi đó, nợ công của Hy Lạp vẫn ở mứctương đương 180% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giữa lúc không thể xác định được quốc gia này sẽ có những chính sách chính trị và kinh tế nào trong tương lai.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong những tháng gần đây đã ban hành một loạt các cảnh báo về tính bền vững trong dài hạn của nợ công Hy Lạp, bất chấp những thỏa thuận mới nhất của Eurozone để giúp nước này cắt giảm “núi nợ” trên.

Giáo sư Wyplosz cảnh báo cuộc khủng hoảng sẽ trở lại với Hy Lạp vào trước năm 2032 nếu tình trạng hiện thời không được tháo gỡ.

Bà Anne-Laure Delatte, một quản lý cấp cao của Viện nghiên cứu kinh tế toàn cầu CEPII của Pháp, cũng cho rằng hiện châu Âu chưa tìm được cách giải quyết được vấn đề nợ công, vốn vẫn ở mức cao ở Italy, Hy Lạp và Bồ Đào Nha bất chấp những nỗ lực của các quốc gia này.

Thậm chí, những nền kinh tế “đầu tàu” của châu ÂU như Pháp và Tây Ban Nha cũng có mức nợ công cao đáng kể, và điều này có thể gây sức ép lớn hơn nữa lên Eurozone.

Tuy nhiên, cũng có nhiều quốc gia mà đã chấp nhận đồng euro ghi nhận tình hình nợ công của họ sụt giảm. Vì vậy, khu vực Eurozone đang ngày càng phân cực giữa hai nhóm khác nhau với lợi ích cực kỳ khác biệt. Một nhóm “học sinh giỏi” kêu gọi thắt chặt ngân sách và kiểm soát chi tiêu, trong khi nhóm còn lại kêu gọi khối này đoàn kết hơn.

Trong khi đó, các nhà kinh tế cũng cảnh báo rằng Italy đang ngày càng trở thành một nguy cơ lớn đối với khu vực Eurozone, với mức nợ công tương đương 130% GDP, hệ thống ngân hàng “mỏng manh” và những vấn đề nội bộ khá nghiêm trọng. Chiến lược kinh tế mới của Chính phủ Italy vẫn còn khá bất ổn định, với những dấu hiệu mâu thuẫn đến từ Rome.

Giáo sư Philippe Martin thuộc trường đại học Sciences Po ở Paris (Pháp) cho rằng hiện khu vực Eurozone không có các công cụ hoặc các tổ chức để đối phó với một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng của Italy. Vụ sụp cầu đường cao tốc ở Genoa hồi tuần trước cũng dẫn đến những cuộc đụng độ giữa Italy và EU về vấn đề chi tiêu của nước này vượt quá giới hạn quy định.

Các chuyên gia đồng ý rằng cuộc khủng hoảng nợ đã cho phép Eurozone tăng cường sức mạnh nội khối, đặc biệt với việc tạo ra quỹ cứu trợ của khối là Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), cũng như sự củng cố của liên minh các ngân hàng.

Tuy nhiên, những cải cách vẫn còn dang dở. Trong khi đó, sự thúc đẩy của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho các bước tiến tiếp theo - bao gồm một ngân sách dành riêng cho Eurozone - vẫn đối mặt với sự phản đối từ phía các quốc gia ủng hộ việc thắt lưng buộc bụng do lo ngại rằng họ phải trả nợ cho những nước đang chìm trong nợ nần.

Một số chuyên gia cho biết hiện không thể xác định liệu các quốc gia có đạt được thỏa thuận nào về đồng euro hay không. Đồng tiền chung châu Âu ban đầu được đưa ra nhằm đảm bảo cho sự ổn định, song nó đã trở thành một đồng tiền đầy bất ổn với những biến động chưa có dấu hiệu ngừng lại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục