EVNNPT tiếp nối truyền thống – Bài 8: Giá truyền tải là vấn đề cốt lõi

12:56' - 16/05/2018
BNEWS Để Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia vươn lên top 4 Đông Nam Á năm 2020, top 10 châu Á năm 2025, là tổ chức truyền tải điện tiên tiến thế giới năm 2030, thì tài chính của đơn vị này phải đủ mạnh.

Để Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) vươn lên top 4 Đông Nam Á năm 2020, top 10 châu Á năm 2025 và là tổ chức truyền tải điện tiên tiến thế giới năm 2030, thì tài chính của EVNNPT phải đảm bảo lành mạnh và đủ mạnh.

Theo đó giá truyền tải phải bù đắp đầy đủ chi phí sản xuất bao gồm cả lỗ chênh lệch tỷ giá và có lợi nhuận hợp lý để đầu tư phát triển.

Các chỉ tiêu tài chính phải đáp ứng được các quy định hiện hành, tiệm cận đến các chỉ tiêu tài chính của các công ty truyền tải điện tiên tiến và đáp ứng tiêu chí các nhà tài trợ.

Theo dõi các thông số của Trạm biến áp 500kV. Ảnh: An Dương/TTXVN

Từ những bài học kinh nghiệm về công tác tài chính, theo EVNNPT,  giá truyền tải điện đang chịu sự điều tiết của Nhà nước, hiện mới chỉ bù đắp các chi phí sản xuất, hoạt động gần như không có lợi nhuận.

Mặc dù vậy, EVNNPT phải bảo toàn vốn nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính, phải tuân thủ mọi hướng dẫn theo cơ chế tài chính của Công ty TNHH một thành viên, phải tự huy động vốn và có trách nhiệm trả gốc vốn vay và lãi vay theo các hợp đồng vay vốn.

Giá truyền tải chính là vấn đề cốt lõi tạo nên tiềm lực tài chính của EVNNPT.

Theo đó, các mục tiêu phải đạt được là: Tăng giá truyền tải phải đảm bảo mục tiêu tài chính, mục tiêu trả nợ, trả lãi, đảm bảo cho EVNNPT và các đơn vị thành viên thu hồi vốn, bù đắp chi phí sản xuất, có lợi nhuận hợp lý tạo tính tự chủ trong hoạt động, tự chủ về tài chính, khuyến khích nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Do đó, mong muốn EVNNPT hoạt động hiệu quả, tài chính lành mạnh trong thời gian tới, cần thiết phải đề xuất các phương án về Kiểm soát chi phí truyền tải điện hiệu quả; Tăng cường hiệu quả sử dụng vốn và hiệu quả đầu tư; Quản lý công nợ hiệu quả và Tăng trưởng doanh thu ổn định.

Thứ hai, về các giải pháp huy động vốn, đây là một trong hai trở ngại lớn nhất (ngoài ra còn có giải phóng mặt bằng) của EVNNPT trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Trước đây ngành Điện được ưu tiên dùng vốn ODA nhiều nhưng do nợ công của Việt Nam đã ở mức cao vì vậy trong thời gian tới việc tiếp cận các nguồn vốn ODA, vốn vay có bảo lãnh Chính phủ của EVNNPT để đầu tư các dự án lưới điện sẽ gặp khó khăn.

Hơn nữa, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình vì vậy chi phí sử dụng vốn vay ODA sẽ không còn thấp như hiện nay.

Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư để EVNNPT đáp ứng khối lượng cần xây dựng theo quy hoạch phát triển ngành điện từ nay đến năm 2040 còn rất lớn (đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 222 công trình đường dây và trạm biến áp 220kV, 500kV).

Vì vậy, EVNNPT cần có các chiến lược huy động vốn đầu tư, bao gồm: Xây dựng kế hoạch và triển khai các thủ tục thu xếp vốn đầu tư xây dựng cho các giai đoạn; sử dụng nguồn vốn khấu hao cơ bản của EVNNPT để trả nợ vay và làm vốn đối ứng để vay vốn; ưu tiên bố trí vốn tín dụng ưu đãi từ quỹ hỗ trợ phát triển, vốn ODA và các nguồn: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Pháp (AfD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW)...; đa dạng hóa các kênh huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước và trái phiếu toàn cầu.

Nguồn vốn vay ODA hiện vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư phát triển các dự án nguồn và lưới điện của EVN nói chung và EVNNPT nói riêng. Tỷ trọng vốn ODA hiện chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư của EVNNPT. Do đó, giai đoạn từ nay đến năm 2025, EVNNPT vẫn tiếp tục vận động nguồn vốn ODA để giải quyết nhu cầu vốn đầu tư hàng năm.

Giai đoạn tiếp theo, khi Việt Nam được xếp thứ hạng cao hơn trên bản đồ quốc tế, nguồn vốn ODA sẽ dần bị thu hẹp, EVNNPT sẽ tập trung nâng cao hiệu quả việc sử dụng và quản lý nguồn vốn này để phát huy tối đa đặc tính ưu đãi (lãi suất vay thấp, thời gian vay dài, cam kết cao) và tận dụng ưu thế là đơn vị chịu trách nhiệm phát triển cơ sở hạ tầng điện được ưu tiên sử dụng vốn ODA.

Do vậy, định hướng đầu tiên của Tổng Công ty được xác định là: Tiếp tục vận động và sử dụng nguồn vốn vay ODA từ các nhà tài trợ truyền thống của EVNNPT và vốn vay ưu đãi nước ngoài với lãi suất thấp và thời gian vay dài cho đầu tư xây dựng các dự án đường dây và trạm.

Tuyên truyền về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp. Ảnh: An Dương/TTXVN

Với định hướng này, giải pháp được Tổng Công ty đưa ra là: Xây dựng chương trình hợp tác trong từng giai đoạn 5 năm hoặc 10 năm dựa trên chiến lược phát triển quốc gia và phát triển ngành, cập nhật các chương trình này hàng năm.

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức tín dụng đa phương và song phương truyền thống của EVNNPT thông qua việc tập trung tăng cường năng lực quản lý và hiệu quả sử dụng vốn ODA của các tổ chức này.

Đặc biệt chú trọng cải thiện hiệu quả thực hiện tại các khâu đấu thầu, giải ngân, đền bù giải phóng mặt bằng, lập kế hoạch, quản lý tài chính và thu xếp vốn của các dự án.

Hiệu quả thực hiện các khoản vay hiện tại sẽ là cơ sở quan trọng để các nhà tài trợ xem xét phê duyệt các khoản vay tiếp theo trong bối cảnh nguồn vốn ODA cho Việt Nam ngày càng bị thu hẹp.

Bên cạnh đó, thực hiện đánh giá tổng thể hiệu quả dự án theo chu trình/vòng đời của dự án từ khâu lập kế hoạch ban đầu, chuẩn bị dự án cho đến triển khai thực hiện và kết thúc dự án. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm áp dụng cho những dự án tiếp theo.

Định hướng thứ hai của EVNNPT là từng bước tiếp cận nguồn vốn thương mại song phương và đa phương khác để hỗ trợ cho mục tiêu đảm bảo nguồn tài chính lành mạnh cho Tổng Công ty trong giai đoạn tiếp theo khi nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài bị thu hẹp.

Do đó, EVNNPT kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài chính có phương án linh hoạt trong bảo lãnh vay vốn, đặc biệt là vay vốn nước ngoài để đầu tư các công trình truyền tải điện có suất đầu tư lớn, cải cách các thủ tục hành chính giảm thiểu thời gian thu xếp, hoàn thiện và ký kết các thỏa thuận hợp tác, hiệp định vay... nhằm rút ngắn thời gian thực hiện và tăng hiệu quả dự án.

Thông qua các cuộc trao đổi, tiếp xúc và làm việc hoặc thông qua việc tìm kiếm thông tin, EVNNPT chủ động liên hệ các tổ chức tài chính quốc tế để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, vốn vay thương mại cho đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải.

Đồng thời tăng khả năng huy động tài chính bằng cách nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động của EVNNPT, bảo đảm có tích lũy, đảm bảo tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế.

Mặt khác, EVNNPT cũng nghiên cứu các hình thức vay mới (tín dụng xuất khẩu, thương mại, dựa vào kết quả...), để đa dạng hóa các hình thức đầu tư và tối ưu hoá hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài.

Định hướng thứ ba được EVNNPT xác định là tập trung nâng cao hiệu quả quản lý dự án theo suốt chu trình dự án đặc biệt kiểm soát tốt tiến độ xây dựng và giải ngân nhằm tối ưu hoá việc sử dụng nguồn vốn đã phân bổ.

Giải pháp cụ thể được triển khai là sử dụng hệ thống báo cáo ODA của nhà tài trợ và của Chính phủ Việt Nam làm công cụ giám sát dự án, thực hiện tốt thông tin hai chiều giữa các bên liên quan, các hoạt động đào tạo.

Định hướng thứ tư của EVNNPT là ứng dụng tin học để nâng cao hiệu quả quản lý dự án.

Cụ thể như xây dựng các phần mềm, công cụ phân tích, quản lý tài chính, lập kế hoạch mang tính dự báo; Hoàn thiện hệ cơ sở dữ liệu dùng chung mang tính chính xác cao, đáng tin cậy, cập nhật, thống nhất trên toàn hệ thống... làm cơ sở lập báo cáo và theo dõi dự án định kỳ; Xây dựng phong cách áp dụng CNTT trong quản lý, theo dõi dự án; Tổ chức đào tạo ứng dụng các phần mềm.../.

Bài 9: Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Xem thêm:

>>>EVNNPT tiếp nối truyền thống – Bài 7: Thành tựu là ứng dụng khoa học công nghệ

>>>EVNNPT tiếp nối truyền thống – Bài 6: Định hướng phát triển

>>>Thống nhất hệ thống điện Việt Nam – Bài 5: EVNNPT viết tiếp bản hùng ca

>>>Thống nhất hệ thống điện Việt Nam – Bài 3: Sự trưởng thành của ngành truyền tải

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục