FDI vào bất động sản sẽ vẫn hấp dẫn?

13:22' - 03/10/2017
BNEWS Cả nước có 24.199 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 310,19 tỷ USD. Trong số đó, FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 51,1 tỷ USD, chiếm 16,5%.

[

JLL họp báo tổng quan thị trường bất động sản quý III/2017. Thu Hằng/BNEWS/TTXVN 

Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản vẫn hấp dẫn là nhận định chung của nhiều chuyên gia tại buổi họp về tổng quan thị trường bất động sản Việt Nam quý III/2017 do Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 3/10.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến cuối tháng 9, cả nước có 24.199 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 310,19 tỷ USD. Trong số đó, FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 51,1 tỷ USD, chiếm 16,5%.

Nhiều chuyên gia nhận xét, với con số này, lĩnh vực bất động sản đã tụt khỏi vị trí thứ hai về thu hút FDI đã duy trì liên tục suốt thời gian qua. Mặc dù vậy, đây vẫn là lĩnh vực tiềm năng trong thu hút FDI thời gian tới.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục ghi nhận mức tăng 62,4% số lượng doanh nghiệp đăng ký theo năm với 3.500 doanh nghiệp – chiếm 3,7% tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới – JLL dẫn chứng.

Luật sư Nguyễn Thị Láng nhận xét, ban đầu, nhiều chủ đầu tư chia sẻ FDI bất động sản cũng khá phức tạp, đòi hỏi quá trình nghiên cứu kỹ, cần thời gian dài. Tuy nhiên, kết quả thu về cũng rất khả quan và tạo nền tảng tốt trên thị trường nếu thu hút được dòng vốn này. Mặc dù vậy, những hạn chế về pháp luật khi thu hút FDI trong lĩnh vực bất động sản cũng cần được xem xét và “gỡ” dần.

Đồng quan điểm, Giám đốc điều hành Indochina Capital Peter R.Ryder cũng ghi nhận, hệ thống pháp luật Việt Nam đã tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là mối quan hệ hợp tác với các đối tác trong nước.

Các chuyên gia nhận định, FDI vào lĩnh vực bất động sản vẫn hấp dẫn. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN  

Một trong những lĩnh vực được các nhà đầu tư ngoại khá quan tâm là phát triển bất động sản khu công nghiệp – Tổng giám đốc JLL Stephan Wyatt cho biết. Trước đây, hầu như chỉ có các chủ đầu tư Việt Nam tập trung vào phân khúc này, nhưng nay, các nhà đầu tư ngoại cũng tham gia khá nhiều. 

Ông Stephan Wyatt chia sẻ, nói về bất động sản, nhà ở là hình ảnh được liên tưởng đầu tiên. Tuy nhiên, hiện nay, theo xu thế phát triển theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, số lượng các khu công nghiệp cũng tăng lên đáng kể, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách khuyến khích mới với việc tăng thời gian cho thuê đất triển khai các dự án nhóm này. 

Lạc quan về nguồn vốn ngoại dành cho thị trường bất động sản Việt Nam, Tổng giám đốc Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, Việt Nam có cơ hội để có bước tiến “nhảy vọt”. Chính phủ đã có những động thái tích cực để đáp ứng xu thế chung của thị trường, gắn liền với bối cảnh quốc tế. 

Do đó, nhiều dòng tiền "ngoại" vẫn muốn đổ vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực bất động sản nhưng các nhà đầu tư vẫn có tâm lý nghe ngóng, chờ đợi những cải cách mạnh mẽ hơn nữa của hệ thống pháp luật có liên quan. Một trong những điểm mà nhà đầu tư nước ngoài khá yên tâm khi rót vốn vào thị trường Việt Nam là sự ổn định nhiều mặt; trong đó có chỉ số tăng trưởng GDP khá tốt, sát với điều hành và dự báo./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục