FDI vào Nam Phi tăng hơn gấp đôi

07:22' - 21/03/2019
BNEWS Tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FD) vào Nam Phi năm 2018 tăng hơn gấp đôi so với năm 2017 và đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Đây được xem là một bước khởi động đầy lạc quan đối với Tổng thống Cyril Ramaphosa trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế phát triển nhất châu Phi này.

Phóng viên TTXVN tại Pretoria dẫn nguồn từ Ngân hàng Trung ương Nam Phi (SARB) cho biết, trong năm 2018, quốc gia này đã thu hút tổng số vốn FDI trị giá 70,7 tỷ rand (4.88 tỷ USD), tăng đáng kể so với con số 26,8 tỷ rand (1.9 tỷ USD) của năm 2017.

Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2013, thời điểm Nam Phi thu hút được 80 tỷ rand từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Vụ trưởng vụ Thanh toán quốc tế của SARB Piet Swart, mức tăng trưởng FDI ấn tượng này là minh chứng cho các nỗ lực không mệt mỏi của chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư tại Nam Phi trong năm vừa qua.

Thực tế, trong chiến lược vực dậy nền kinh tế “ốm yếu” trong gần một thập niên dưới sự điều hành của cựu Tổng thống Jacob Zuma, kể từ khi nhậm chức hồi tháng 2/2018, Tổng thống Ramaphosa đã đưa ra một loạt biện pháp cấp bách như lập nhóm chuyên gia kinh tế và tài chính nhằm thu hút khoảng 100 tỷ USD vốn đầu tư từ nước ngoài trong 5 năm tới, hay đề xuất việc thành lập Quỹ đầu tư quốc gia (SWF).

Những cố gắng của ông Ramaphosa cũng dần thu được kết quả. Sau chuyến thăm của ông Ramaphosa tới Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) hồi đầu tháng 7 năm ngoái, hai quốc gia Trung Đông này đều đã cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào Nam Phi trong thời gian tới.

Ngoài ra, trong chuyến công du Nam Phi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 6/2018 nhân dịp tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Trung Quốc đã cam kết sẽ đầu tư 14,7 tỷ USD vào Nam Phi.

Cũng nằm trong chiến lược tăng cường thu hút FDI của chính phủ, hôm 11/3 vừa rồi, Bộ Công thương Nam Phi thông báo kế hoạch hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB), trong đó tổ chức tài chính lớn nhất thế giới sẽ cung cấp các dịch vụ tư vấn chiến lược nhằm cải thiện môi trường kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn của Nam Phi.

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của việc hợp tác là việc đưa ra những chính sách kinh tế mới mang tính đột phá nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Nam Phi, và lấy môi trường kinh doanh thuận lợi làm đòn bẩy để thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục