Fitch hạ xếp hạng tín dụng của Tập đoàn Evergrande (Trung Quốc) xuống mức vỡ nợ hạn chế

18:08' - 09/12/2021
BNEWS Fitch thông báo hạ xếp hạng với Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc từ mức "C" xuống mức "RD".

Ngày 9/12, hãng xếp hạng tín dụng Fitch (Mỹ) thông báo hạ xếp hạng với Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc từ mức "C" (quá trình vỡ nợ hoặc tương tự vỡ nợ đã bắt đầu) xuống mức "RD" (vỡ nợ hạn chế - tức là nhà phát hành không có khả năng thanh toán các khoản nợ).

Trong đánh giá xếp hạng mới, Fitch cũng hạ mức đánh giá với các chi nhánh của tập đoàn này gồm Hengda Real Estate Group Co, Ltd và Tianji Holding Ltd.

Việc Fitch đưa Evergrande và các chi nhánh xuống mức "RD" phản ánh thực trạng tập đoàn này không thể thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ với 645 triệu USD trái phiếu lãi suất 13% và 590 triệu USD trái phiếu lãi suất 13,75% dù thời gian ân hạn đã kéo dài thêm 1 tháng.

Ngoài Evergrande, Fitch còn hạ xếp hạng tín dụng của công ty bất động sản Kaisa cũng của Trung Quốc, từ mức "C" xuống "RD" vì công ty này không thể thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ với số trái phiếu trị giá 400 triệu USD. Kaisa là công ty bất động sản đứng thứ 27 tại Trung Quốc.

Dù có quy mô nhỏ hơn nhiều so với Evergrande nhưng Kaisa cũng được cho là đang trong tình trạng nợ nần chồng chất.

Sau thời gian phát triển thần tốc và ít bị kiểm soát, ngành bất động sản Trung Quốc bước vào thời kỳ khó khăn sau khi chính phủ nước này triển khai cơ chế giới hạn các khoản cho vay quy mô lớn dành cho các doanh nghiệp bất động sản trong khi nhu cầu đầu cơ nhà ở giảm.

Biện pháp mới khiến các công ty bất động sản vốn chủ yếu dựa vào các khoản vay để mở rộng hoạt động rơi vào tình trạng khó khăn do không thể xoay được vốn để hoàn thiện các dự án, thanh toán cho các nhà thầu và trả nợ có các nhà đầu tư trong và ngoài ngước.

Evergrande là tập đoàn bất động sản lớn nhất cho đến nay gặp khó vì những chính sách mới. Tổng các khoản nợ mà Evergrande đang gánh lên đến hơn 300 tỷ USD, tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, trong đó trái phiếu thị trường quốc tế là 19 tỷ USD.

Ngày 7/12, các nguồn thạo tin cho biết tập đoàn này đang lên kế hoạch đưa toàn bộ trái phiếu phát hành ở nước ngoài và các nghĩa vụ trả nợ tư nhân vào kế hoạch tái cơ cấu trong bối cảnh công ty này đã thành lập một ban quản lý rủi ro với chỉ 2 thành viên là người từ tập đoàn, còn lại là các chuyên gia chính phủ. Đây có thể là một trong những cuộc tái cơ cấu nợ lớn nhất từ trước đến nay tại Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục