Flybe - Sự nuối tiếc của ngành hàng không châu Âu

09:47' - 22/07/2020
BNEWS Sự sụp đổ của Flybe gây ra nhiều vấn đề đối với Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đã cam kết "vực dậy" xứ sở sương mù thông qua việc đầu tư vào các tuyến đường vận tải khu vực.

Ngành hàng không thế giới mới đây chứng kiến sự sụp đổ của Flybe, một biểu tượng hàng không khu vực của nước Anh, sự kiện tạo ra một khoảng trống không nhỏ đối với các sân bay từng phục vụ hãng.

Flybe - Sự nuối tiếc của ngành hàng không châu Âu. Ảnh: bloomberg.com

Flybe được thành lập vào năm 1979 với tên gọi Jersey European Airways và bắt đầu vận hành các dịch vụ khu vực từ đảo Jersey. Đây là "sản phẩm" của thương vụ sáp nhập giữa Intra Airways và Express Air Services. Hai công ty này trước đây hoạt động gần Eo biển Manche nên đã quyết định kết hợp các mạng lưới dịch vụ hành khách và hàng hóa của họ. Sau bốn năm phục vụ các chuyến bay trong khu vực khởi hành từ Jersey, Jersey European Airways đã được mua lại bởi nhà công nghiệp Jack Walker - chủ sở hữu tập đoàn Walkersteel Group, công ty mẹ của hãng hàng không Spacegrand.

Jersey European Airways và Spacegrand không lâu sau đó đã hợp nhất và chọn Exeter, thành phố nằm gần bờ biển Anh làm nơi đặt văn phòng trụ sở mới. Flybe ban đầu thực hiện các chuyến bay nội địa, với chuyến bay đầu tiên khởi hành từ Channel Islands đến London vào năm 1991. Với hoạt động bắt đầu phát triển nhanh chóng, Flybe ra mắt hạng bay thương gia vào năm 1993 và trở thành hãng hàng không nội địa đầu tiên phục vụ hai hạng bay. Cũng trong năm 1993, hãng mua về bốn máy bay British Aerospace 146 để phục vụ các chuyến bay từ Belfast và Birmingham.

Flybe ban đầu thực hiện các chuyến bay nội địa, với chuyến bay đầu tiên khởi hành từ Channel Islands đến London vào năm 1991. Ảnh:businesstraveller
Việc mở rộng đội bay giúp Flybe giành được giải thưởng "Hãng hàng không khu vực tốt nhất nước Anh" năm thứ hai liên tiếp vào năm 1994. Đến năm 1997, hãng trở thành một thương hiệu quốc tế, phục vụ các chuyến bay tới Paris (Pháp) nhờ mối quan hệ đối tác với Air France. Những năm 1990 chứng kiến sức tăng trưởng liên tục của Flybe và đến năm 2000 hãng được đổi tên thành British European. Tuy nhiên, chỉ sau đó ít lâu, các vụ tấn công khủng bố ngày 9/11 ở Mỹ đã khiến ngành hàng không toàn cầu lao đao buộc hãng một lần nữa phải thay đổi chiến lược kinh doanh.

Tháng 7/2002, British European được đổi thành tên Flybe như hiện nay. Flybe quay trở lại cung cấp các chuyến bay giá rẻ, với hy vọng mô hình này sẽ giúp cải thiện hoạt động kinh doanh của hãng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Hướng đi này đã hỗ trợ Flybe trong thương vụ vụ thâu tóm BA Connect vào năm 2007, qua đó giúp mở rộng đáng kể mạng lưới hoạt động của hãng. Thương vụ này đã đưa Flybe trở thành hãng hàng không khu vực lớn nhất châu Âu.

Flybe bắt đầu niêm yết cổ phiếu tại Thị trường Chứng khoán London, đồng thời ký một thỏa thuận trị giá nhiều tỷ USD với tập đoàn Embraer để đặt mua tới 140 máy bay Embraer 175.

Tuy nhiên, việc nâng cấp không thành công các hệ thống công nghệ thông tin (IT) sau này khiến Flybe phải trả giá đắt. Năm 2018, Flybe tiếp tục "mất mát" trong cuộc đua với hãng hàng không Loganair của Scotland để giành các tuyến bay quan trọng tại Quần đảo Anh.

Tháng 2/2019 chứng kiến việc Flybe bị bán cho công-xoóc-xi-om Connect Airways. Cho đến nay, giới chuyên gia trong ngành du lịch vẫn cho rằng việc niêm yết cổ phiếu tại Thị trường Chứng khoán London là xuất phát điểm cho hàng loạt vấn đề hãng gặp phải trong thời gian sau này. Thương vụ mua 140 máy bay Embraer 175 trị giá nhiều tỷ USD cũng được cho là một bước đi kém khôn ngoan khi lấy đi của Flybe một khoản chi phí rất lớn. Việc nâng cấp thất bại hệ thống IT cũng lấy mất của Flybe hàng triệu USD. Không dừng lại ở đó, bất ổn xung quanh vấn đề Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), đồng bảng Anh suy yếu, giá dầu biến động, cạnh tranh khốc liệt..., tất cả đã đồng loạt tạo nên khó khăn cho hãng hàng không của Anh.

Đầu tháng 3/2020, truyền thông Anh đưa tin Flybe có thể bị phá sản sau khi không được đảm bảo khoản vay của nhà nước lên tới 100 triệu bảng Anh (129 triệu USD). Trước đó, tháng 1/2020, hãng tránh được nguy cơ phá sản nhờ Chính phủ Anh cho hưởng ưu đãi thuế. Tác động của dịch COVID-19 đối với việc đi lại càng khiến tình hình trở nên tồi tệ.

Ngày 5/3/2020, Flybe tuyên bố phá sản, trở thành nạn nhân đầu tiên trước sự giảm sút nhu cầu đi lại do dịch COVID-19. Thất bại của Flybe, hãng hàng không kết nối mọi nơi ở vương quốc Anh với các điểm đến lớn ở châu Âu không chỉ khiến 2.400 nhân viên đứng trước nguy cơ thất nghiệp mà còn khiến một số sân bay địa phương gặp khó khăn.

Sự sụp đổ của Flybe cũng gây ra nhiều vấn đề đối với Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đã cam kết "vực dậy" xứ sở sương mù thông qua việc đầu tư vào các tuyến đường vận tải khu vực. Flybe là hãng hàng không độc lập khu vực lớn nhất tại châu Âu, thực hiện các chuyến bay giữa 81 sân bay. Không có Flybe, nhiều sân bay tại Anh, trong số đó phải kể đến Exeter, Birmingham và Southampton mất đi nhiều kết nối./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục