Liên kết tài chính với doanh nghiệp để tận dụng cơ hội từ FTA

17:11' - 02/09/2016
BNEWS Trong 20 năm qua, giai đoạn từ năm 1996 đến 2016, Việt Nam có 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đang được thực thi.

Năm 2015 tới nay, Việt Nam tiếp tục ký kết với Liên minh kinh tế Á – Âu; Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đồng thời đang đàm phán ký 5 FTA với Hồng Công (Trung Quốc), với Cuba, Israel, một số nước thuộc EU như Nauy, Thụy Sỹ, Ieland, Liechtenstein, cùng các đối tác kinh tế toàn diện trong khu vực (ASEAN+6).

Theo đánh giá của các chuyên gia, các FTA sẽ mang lại cơ hội thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam với các nước đối tác, giúp tăng trưởng xuất khẩu, ổn định và cơ cấu lại thị trường theo hướng cân bằng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực.

Qua đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường thu hút vốn đầu tư có chất lượng từ các nước đối tác…

Bên cạnh những tác động tích cực về mặt kinh tế, việc tham gia các FTA còn là cơ hội giúp Việt Nam nâng cao tốc độ tăng trưởng, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động và giúp xóa đói giảm nghèo.

Đây cũng là động lực giúp cho việc hoàn thiện thể chế ở Việt Nam; trong đó, có thể chế kinh tế thị trường, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; đồng thời thúc đẩy cải cách bộ máy nhà nước theo hướng tinh, gọn, hiệu quả.

Liên kết tài chính với doanh nghiệp để tận dụng cơ hội từ FTA. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Quyền Anh Ngọc, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, do năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và cả nền kinh tế Việt Nam còn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực, nên khả năng giành lợi thế cạnh tranh theo quy mô kinh tế chưa cao và những lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt cũng sẽ dần mất đi.

Chưa nói tới nguy cơ mất thị trường trong nước bởi sự xâm nhập của các doanh nghiệp nước ngoài và các tập đoàn quốc gia…

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật và yêu cầu xuất xứ nghiêm ngặt. Hàng xuất khẩu Việt Nam đang “vướng” phải các quy định kỹ thuật về bao gói, nhãn mác, dư lượng hóa chất tối đa…

Trong khi, các mặt hàng nông sản thì bị cản trở bởi các biện pháp vệ sinh dịch tễ, ông Ngọc Anh nêu dẫn chứng.

Vậy giải pháp nào sẽ giúp các doanh nghiệp, các ngành hàng, lĩnh vực có thể tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại.

Theo các chuyên gia kinh tế, trước nhất, các cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi tư duy trong tình hình mới, chuyển từ chọn cho sang chọn bỏ; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp…

Riêng đối với các doanh nghiệp, nên có sự chủ động nắm vững các cam kết của Việt Nam và các nước đối tác; thay đổi tư duy kinh doanh theo hướng chủ động, cải thiện tinh thần và thái độ phục vụ khách hàng; đồng thời tăng cường nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng các kế hoạch kinh doanh cho từng giai đoạn trung và dài hạn thay vì lệ thuộc, sống nay không biết mai.

Bên cạnh những giải pháp mang tính chiến lược, doanh nghiệp cũng nên tham khảo những giải pháp khác, nhất là giải pháp tài chính nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội của FTA và khắc phục những yếu điểm nội tại của mình.

Qua thực tiễn, đã có rất nhiều định chế tài chính triển khai các chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ngoài việc tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi lãi suất, thời hạn cho vay dài hơi, nhiều ngân hàng thương mại còn hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp trực tiếp sản xuất được đầu tư các quy trình công nghệ hiện đại, nâng cấp trang thiết bị máy móc… đồng thời, cùng doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường hay hỗ trợ thuế, phí cho cả người bán và người mua hàng…

Giải pháp liên kết này chính là cơ hội hợp tác hữu ích, mang tính đòn bẩy, giúp doanh nghiệp không chỉ đứng vững trên thị trường, mà còn được nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo một khảo sát do Hiệp hội các ngân hàng thực hiện mới đây, cả nước hiện có khoảng 700.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng có tới 70% trong số đó không thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.

Lý do là vì thủ tục vay vốn và được giải ngân còn nhiều vướng mắc, bất cập. Thường là do doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ tài sản đảm bảo, lại thiếu kinh nghiệm quản lý vốn nên quá tập trung vào tăng trưởng và lợi nhuận mà không kiểm soát tốt dòng tiền. Quan trọng nhất là báo cáo tài chính thường không minh bạch và đầy đủ, đôi khi còn không có.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VP Bank) cho rằng, các ngân hàng đều sẵn sàng nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn hiện hữu như: chấp nhận cho vay tín chấp đối với một số trường hợp không có tài sản đảm bảo; cung cấp chuyên gia tư vấn tài chính hoặc dành các khoản tài trợ thương mại riêng cho các hoạt động xuất nhập khẩu.

Với những doanh nghiệp không quen các thủ tục ngân hàng, hoặc không có báo cáo tài chính minh bạch, phía ngân hàng sẽ hướng dẫn thực hiện lập hồ sơ một cách đơn giản nhất; áp dụng chương trình phê duyệt nhanh, đơn giản hóa sản phẩm và quy trình xử lý tín dụng, thông qua một số bước đánh giá hành vi của doanh nghiệp…

Đại diện Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro), bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó Tổng giám đốc đánh giá cao vai trò và hiệu quả liên kết giữa doanh nghiệp với ngành ngân hàng. Bởi nếu thiếu nguồn lực tín dụng từ đây, các doanh nghiệp sẽ rơi vào trạng thái đuối sức là điều đương nhiên.

Dân gian có câu “buôn tài không bằng dài vốn”, bởi vậy, bà Thanh cho rằng, Chính phủ và các cấp ngành cần tiếp tục nghiên cứu để có các cơ chế,m chính sách hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng hệ thống phân phối, giữ vững thị trường trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài./.

>>> FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu sẽ có hiệu lực từ ngày 5/10

>>> Trung Mỹ và Hàn Quốc tiến gần tới FTA chung

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục