G20 cần làm gì để cải thiện hoạt động trong tương lai?

06:00' - 21/07/2017
BNEWS “Diễn đàn Đông Á” số mới ra có bài viết về kết quả hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tuần qua tại Hamburg (Đức) và những việc G20 cần phải làm trong thời gian tới.
G20 cần làm gì để cải thiện hoạt động trong tương lai? Ảnh: EPA/TTXVN

Bài viết của Adam Triggs, học giả nghiên cứu tại Trường Chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Australia (ANU), và là thành viên Nhóm chuyên gia G20 của Australia. 

Các dịch vụ khẩn cấp đã không thể dập tắt những ngọn lửa biểu tình ở Hamburg cuối tuần trước. Thủ tướng Đức Angela Merkel bận rộn chủ trì một hội nghị thượng đỉnh G20 chia rẽ nhất trong lịch sử của diễn đàn. Cam kết lâu dài của G20 nhằm tránh các biện pháp bảo hộ đã bị tấn công.

Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu không còn được ủng hộ mạnh mẽ như trước đây; trong khi sự ủng hộ đối với toàn cầu hóa, mở cửa và tăng cường hội nhập cũng bị đe dọa...

Nhưng G20 đã làm công việc của mình, đẩy lùi chính sách bảo hộ và thay đổi quan điểm về biến đối khí hậu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Mặc dù không thể có được một thông cáo chung ưng ý, nhưng G20 cũng đã gây sức ép với Trung Quốc, buộc nước này phải chủ động hơn trong vấn đề Triều Tiên và gây áp lực với Nga về vai trò đáng ngờ của nước này trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi cuối năm ngoái.

Mỹ, “một quốc gia quan trọng nhất thế giới”, dường như cảm thấy lạc lõng hơn trong hội nghị lần này khi Tổng thống Trump đưa Washington ra khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu.

G20 giờ đây đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý toàn cầu mà trước đây thường bị bỏ qua. Vai trò đó là phải giữ cho các nền kinh tế lớn nhất thế giới đi đúng hướng. 

Nếu một quốc gia muốn đi chệch khỏi các quy tắc và chuẩn mực vốn đã được thừa nhận trong hệ thống quốc tế, thì quốc gia đó có thể bị các đối tác toàn cầu tẩy chay.

Trong bối cảnh Mỹ quyết tâm ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ, G20 cam kết “tiếp tục cuộc chiến chống lại chủ nghĩa bảo hộ”. Về chống biến đổi khí hậu, thông cáo chung giống như thông báo G19, chứ không phải G20.

Vì nó ghi nhận quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu nhưng nhấn mạnh rằng “các nhà lãnh đạo khác của G20 khẳng định Hiệp định Paris là không thể đảo ngược, đồng thời lặp lại tầm quan trọng của việc thực thi cam kết Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC)”. 

Mặc dù thông cáo chung không đề cập giải pháp cho vấn đề Triều Tiên, nhưng nó vẫn gửi một thông điệp rõ ràng đến Trung Quốc rằng cộng đồng quốc tế hy vọng Bắc Kinh làm nhiều hơn nữa để kiềm chế chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của nước này.

Để chứng tỏ vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu, G20 sẽ phải xây dựng các chương trình nghị sự kéo dài nhiều năm về tăng trưởng toàn diện, thương mại và khả năng phục hồi tài chính. Nhiệm vụ này sẽ được giao cho Argentina, nước sẽ bắt đầu làm chủ tịch G20 kể từ tháng 12 tới.

Chương trình nghị sự phát triển của G20 kết thúc vào năm 2018. Nếu những người biểu tình tại Hamburg có bất kỳ thông điệp rõ ràng nào thì đó là tăng trưởng cần phải được mở rộng hơn. Phạm vi hạn chế trong đối phó với những cú sốc kinh tế vĩ mô mới ở nhiều nước G20.

Điều này có nghĩa là tăng trưởng công bằng sẽ phụ thuộc vào những cải cách cơ cấu và cải thiện trong chi tiêu của chính phủ.

Các thể chế toàn cầu như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phải chứng minh lợi ích của những cải cách này sẽ được phân phối như thế nào trên khắp cộng đồng và cách thức giải quyết các vấn đề bất bình đẳng ra sao.

G20 cần có một chương trình nghị sự thương mại thực sự. Lâu nay, nó chỉ là những sáng kiến thương mại song phương, đa phương và toàn cầu. Việc tập trung cải cách trong nước để thúc đẩy thương mại trong quá trình phát triển chiến lược của nó đã đem lại một vài cải cách hữu hình. 

G20 có thể tăng cường tìm kiếm sự nhất quán hơn nữa trong các hiệp định thương mại song phương, khu vực và toàn cầu và phát triển một khuôn khổ để chúng có thể được thu nhỏ thành một thỏa thuận toàn cầu do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lãnh đạo.

G20 cần một chương trình nghị sự để tăng cường khả năng phục hồi tài chính. Việc khuyến khích các nước thúc đẩy khả năng phục hồi trong hệ thống tài chính là rất quan trọng. Vì nếu bỏ qua mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu thì chẳng khác nào đóng cửa sở cứu hỏa và yêu cầu mọi người không cố dập tắt đám cháy. 

G20 cần phải "bơm vốn chính trị" hơn nữa nhằm thúc đẩy tăng vốn của IMF thông qua hạn ngạch và cải cách công thức hạn ngạch của IMF. 

Khối cũng cần phải chính thức hóa chủ trương về cách thức làm thế nào để các thành phần cấu thành của mạng lưới an toàn song phương, khu vực và toàn cầu có thể hợp tác với nhau trong thời điểm khủng hoảng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục