G20 muốn khắc chế những nguy cơ từ hệ thống quản lý tài sản

05:27' - 29/06/2016
BNEWS Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đề xuất các biện pháp nhằm khống chế những nguy cơ "lây lan" từ hệ thống quản lý tài sản toàn cầu trị giá 76.000 tỷ USD.
G20 muốn khắc chế những nguy cơ từ hệ thống quản lý tài sản. Ảnh: chinausfocus.com

Trong bối cảnh các ngân hàng phải tuân thủ các quy định về vốn ngặt nghèo hơn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, các nhà quản lý điều hành tài sản đã tăng giá trị tài sản từ 50.000 tỷ USD năm 2004 lên 76.000 tỷ USD năm 2014, tương đương 40% tổng tài sản trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB), hiện điều phối các quy định của các nền kinh tế G20, nói mối lo ngại chủ chốt là cam kết của các quỹ trong việc hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư ngay lập tức kể cả khi trên thị trường thanh khoản bị thắt chặt.

Bên cạnh đó, các nhà quản lý tài sản cũng chuyển sang hoạt động cấp vốn trên thị trường như cho vay chứng khoán, đề xuất các khoản tín dụng cho các công ty bị các ngân hàng truyền thống từ chối.

Trước tình hình trên, FSB đã đưa ra gói giải pháp gồm 14 đề xuất, dự kiến thực hiện trong 2 năm từ cuối năm 2017, để lấy ý kiến cộng đồng. FSB kêu gọi các nhà lãnh đạo thu thập thêm số liệu và đảm bảo các quỹ có quyền sử dụng các công cụ trong trường hợp thị trường chịu sức ép.

Sau cuộc họp hai ngày của các Bộ trưởng Tài chính tại Washington (Mỹ) hồi tháng 4/2016, G20 đã ra tuyên bố chung khẳng định sẽ sử dụng tất cả các công cụ, bao gồm chính sách tiền tệ và tài chính để thúc đẩy tăng trưởng.

Thông cáo của G20 nêu rõ nền kinh tế thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và bất ổn. Do đó các nước thành viên G20 sẽ có những cách thức riêng cũng như có sự hợp tác để thúc đẩy niềm tin và tăng trưởng kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục