G20 nhất trí cơ chế chung giãn nợ cho các nước nghèo

07:48' - 14/11/2020
BNEWS Ngày 13/11, bộ trưởng tài chính Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua "cơ chế chung" về xử lý nợ của các nước đang phát triển bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Nội dung trên đưa ra sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Theo đó, các bên nhất trí cơ chế chung để giãn hoặc giảm nợ tùy từng trường hợp cho những quốc gia dễ bị tổn thương.

Tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị nêu rõ: “Về mặt nguyên tắc, các hình thức xử lý nợ sẽ không bao gồm việc xóa nợ”.

Theo tuyên bố, trong trường hợp các nước gặp khó khăn nhất cần được xóa nợ, các chủ nợ sẽ phải cân nhắc cụ thể và kịp thời hoàn thành các thủ tục phê duyệt trong nước cũng như thông báo cho các chủ nợ khác về tiến độ thực hiện.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đánh giá cơ chế chung nói trên là một bước đi rất quan trọng hướng tới cải thiện cơ cấu nợ quốc tế và sẽ tăng cường khả năng tham gia của lĩnh vực tư nhân.

Tuy nhiên, bà cảnh báo ngoài những nước nghèo nhất thế giới, vẫn còn nhiều nước khác có nguy cơ khó trả nợ và cuộc khủng hoảng này "chưa kết thúc".

Về phần mình, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được “mang tính lịch sử” khi lần đầu tiên tất cả các chủ nợ chính, các thành viên trong và ngoài Câu lạc bộ Paris, sẽ cùng phối hợp trong xử lý nợ của các nước có thu nhập thấp.

Theo Sáng kiến Hoãn thanh toán nợ (DSSI) của G20, 73 nước đủ điều kiện để tái cơ cấu nợ, trong đó có 38 nước ở phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi.

Tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Thế giới cho biết nợ của 73 nước kém phát triển nhất thế giới năm ngoái tăng 9,5% lên mức cao kỷ lục 744 tỷ USD.

Chủ nợ của nhóm nước này đa phần là các nước G20, chiếm tới 178 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất với 63% tổng khoản nợ.

Tại hội nghị trực tuyến diễn ra tháng 10, các quan chức tài chính G20 nhất trí gia hạn thêm 6 tháng DSSI (đến tháng 6/2021) cho các nước nghèo nhất.

Tháng 5/2020, G20 và các chủ nợ thuộc Câu lạc bộ Paris đã khởi xướng sáng kiến trên nhằm giúp các quốc gia nghèo trên thế giới tập trung nguồn lực để phòng chống đại dịch COVID-19 cũng như tái thiết nền kinh tế.

G20 gồm các nền kinh tế Argentina, Australia, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục