Gần 80% doanh nghiệp chưa hài lòng với công tác thực thi Thuế và Hải quan

21:33' - 12/12/2015
BNEWS Đánh giá về tính chuyên nghiệp trong công tác tuyên truyền, giao tiếp của ngành Thuế ở mức 37%. Trong khi, tỷ lệ đánh giá cán bộ Hải quan với hướng dẫn các thủ tục hành chính chỉ ở mức gần 20%.

Khảo sát 180 các tổ chức là đại diện cộng đồng doanh nghiệp trên mọi vùng miền của cả nước do VCCI thực hiện cho thấy, chỉ có khoảng 20% các đơn vị tham gia khảo sát cho rằng, các cán bộ, công chức ở ngành Thuế và Hải quan đã lắng nghe ý kiến của khách hàng khi giải quyết thủ tục hành chính. 80% còn lại chỉ ra rằng, kỹ năng, trình độ giao tiếp với doanh nghiệp của cán bộ, công chức ở nhiều nơi cũng chưa đạt được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Những con số trên được công bố tại hội thảo “Báo cáo kết quả giám sát lĩnh vực Thuế và Hải quan 2015” tổ chức tại Hà Nội, chiều ngày 12/12.

Hội thảo đánh giá chương trình phối hợp giám sát Thuế - Hải Quan năm 2015. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, ông Đậu Tuấn, Trưởng ban Pháp Chế, VCCI nhấn mạnh, ở nhiều nơi, mức độ tham vấn, đối thoại với doanh nghiệp giữa các cơ quan ngành Thuế và Hải quan vẫn chưa được thường xuyên. Việc giao tiếp, truyền thông, tạo dựng sự hiểu biết, tin tưởng giữa doanh nghiệp với các cơ quan ngành Thuế và Hải quan vẫn còn rất nhiều không gian để cải thiện.

Tình trạng doanh nghiệp gặp vướng mắc về chính sách, quy định về thuế, hải quan là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, những khó khăn này sẽ giảm bớt nếu có được những giải pháp hợp lý, nhanh chóng, kịp thời từ các cơ quan Nhà nước có liên quan.

Đại diện phía Mặt trận tổ quốc Việt Nam, bà Phạm Thu Hương, Phó Trưởng Ban Dân chủ pháp luật cho rằng, mặc dù ngành Thuế và Hải quan đang có những bước chuyển tích cực từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ một cách thực chất, với những cải cách nổi bật như nộp hồ sơ kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa thủ tục hải quan trên phạm vi toàn quốc hay áp dụng thanh toán điện tử….

Song, những vấn đề liên quan tới ưu đãi thuế, hoàn thuế hay sự thiếu đồng bộ giữa quy trình thủ tục hải quan cũ và mới đang là những trở ngại, tạo nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp.

Công tác xử lý, tuyên truyền và giao tiếp của cán bộ ngành thuế vẫn còn nhiều vướng mắc. Ảnh: TTXVN

Liên quan tới thái độ, sự phục vụ của cán bộ công chức ngành Thuế và Hải quan, bà Hương khẳng định, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ chưa cao, chưa chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp hiện đang phải chi trả các khoản chi phí không chính thức và vẫn còn nhiều “kẽ hở” pháp luật.

Một số doanh nghiệp vẫn còn bị động, thiếu tìm hiểu, chưa thực sự quan tâm đúng mức về các chính sách pháp luật liên quan. Thậm chí, một số doanh nghiệp làm ăn thiếu chân chính, thông đồng với các cán bộ quản lý Nhà nước trong việc gian lận, trốn thuế…

Đồng tình với quan điểm của bà Hương, đại diện Liên minh hợp tác xã Việt Nam còn cho biết, nhiều đơn vị có tâm lý né tránh các thủ tục Thuế, Hải quan bằng cách chỉ báo cáo sản xuất hàng gia công, bán lại cho các doanh nghiệp sản xuất do e sợ thủ tục rắc rối, tốn phí và không đủ nhân lực, đủ trình độ thực hiện các yêu cầu về thuế, hải quan.

Những bất cập trong cơ chế phối hợp cũng được nhiều đại biểu đề cập tại hội thảo. Họ cho rằng, sự phối hợp chưa đồng bộ, thiếu liên kết, làm cho công tác cải cách thủ tục hành chính còn khó khăn. Thêm nữa là sự bất cập trong cơ chế “một cửa liên thông điện tử” hay vấn đề hoàn thiện lệ phí tờ khai, chuyển tiền, nhận tiền và cung cấp thông tin doanh nghiệp đã nộp thuế…

Phản hồi từ phía Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam cho biết, sau nhiều nỗ lực vận động, tuyên truyền đến thời điểm này đã có 98% số doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử, 90% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử và hơn 82% doanh nghiệp đã nộp thuế điện tử và hơn 553.000 giao dịch thuế điện tử thành công.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) về cải cách thủ tục hành chính của ngành Thuế đã đạt mức 420 giờ, giảm nhiều so với thời gian trước đây.

“Trước những vấn đề còn tồn tại, trong thời gian tới, ngành Thuế cần tiếp tục cải cách và thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn nữa để khắc phục những bất cập, những hạn chế nhằm đáp ứng yêu cầu của Chính phủ và kỳ vọng của người dân, của doanh nghiệp.”- ông Nam cam kết.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, những kết quả đã được thu thập từ những thông tin thực tế để đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 19 cũng cần được tích hợp với những chương trình, nghị quyết khác như Nghị quyết 36A về áp dụng và triển khai Chính phủ điện tử…. từ đó mới thấy được tác động đa chiều, mới có được những đề xuất, kiến nghị hữu ích, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục