Gạo Italy mở được cửa xuất khẩu sang Trung Quốc trong dịch COVID-19

19:30' - 11/05/2020
BNEWS Italy, quốc gia sản xuất gạo lớn nhất châu Âu mở được cánh cửa xuất khẩu sang thị trường màu mỡ là Trung Quốc.

Italy, quốc gia sản xuất gạo lớn nhất châu Âu, không những ghi nhận nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tăng cao trong thời đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, mà còn mở được cánh cửa xuất khẩu sang thị trường màu mỡ là Trung Quốc.

Đầu tháng Tư vừa qua, Italy và Trung Quốc ký một thỏa thuận xuất khẩu gạo sang quốc gia có hơn một tỷ dân này, tập trung vào những loại gạo được dùng làm nguyên liệu cho món risotto (cơm Italy nấu với nước dùng chứa nhiều kem) như Carnaroli, Arborio, Roma hay Baldo.

Thỏa thuận này được nông dân địa phương đón nhận nồng nhiệt, với kỳ vọng đem lại lợi ích cho các tỉnh Pavia, Lombardy, Vercelli và Novara, vốn chiếm tới 95% tổng sản lượng gạo của Italy.

Nhật báo Il Corriere della Sera bình luận thành công của thương vụ này giống như câu chuyện “bán tủ lạnh ở Bắc Cực”. Tờ báo này cho rằng gạo trồng ở các vùng nông thôn xung quanh Pavia, cũng như món risotto, đã "tiến quân" vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc, và nhiều phiên bản nội địa hóa của món ăn trứ danh Italy cũng đã xuất hiện ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Với diện tích trồng lúa hơn 220.000 hécta và 4.200 nông dân, đất nước “hình chiếc ủng” sản xuất mỗi năm 1,5 triệu tấn gạo, chiếm hơn 50% sản lượng của cả châu Âu, với các giống gạo phong phú, độc đáo và chất lượng hàng đầu thế giới. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gạo của Italy tăng 4%, đạt 550 triệu euro.

So sánh trên quy mô toàn cầu, sản lượng gạo tại châu Âu chỉ chiếm 0,4% sản lượng 500 triệu tấn mỗi năm của toàn thế giới, trong đó có tới 90% là từ các nước châu Á.

Không những “thuận buồm xuôi gió” trên thị trường quốc tế, lượng tiêu thụ gạo trong nước cũng tăng vọt lên 47% trong 6 tuần đầu của đại dịch, thậm chí có lúc còn vượt qua nhu cầu đối với mỳ pasta, món ăn “quốc hồn quốc túy” của Italy.

Theo các nông dân địa phương, giữa thời buổi đại dịch người tiêu dùng Italy tìm lại được hứng thú với gạo và món risotto, vốn hơi “lép vế” trong nền ẩm thực của quốc gia.

Các tu sĩ Kitô giáo là những người đầu tiên đem cây lúa đến Italy vào thế kỷ thứ 12, nhằm cải thiện địa hình khi đó rậm rạp cây cối và thiếu vệ sinh dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt rét. Năng suất tăng lên nhờ hệ thống kênh đào do Leonardo da Vinci thiết kế, sau đó tiếp tục được cải thiện nhờ cơ giới hóa./.

>>> Cách các "đại gia" rượu vang tại Italy thích nghi với COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục