Gấp rút giải quyết việc thiếu đất đắp cao tốc Bắc - Nam

14:59' - 28/03/2022
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tính đến ngày 24/3, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 vẫn còn thiếu 6,53 triệu m3 đất đắp.

Trong báo cáo mới nhất gửi Chính phủ về tình hình thực hiện Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tính đến ngày 24/3, dự án vẫn còn thiếu 6,53 triệu m3 đất đắp.

Hiện các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải, các Ban quản lý dự án đang phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương để sớm tháo gỡ vấn đề này.

Cụ thể, dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 (địa bàn Ninh Bình) thiếu 0,7 triệu m3. UBND tỉnh Ninh Bình đang xem xét cấp bổ sung 2 mỏ đất (mỏ đồi Đương và đồi Lang) theo đề nghị của nhà thầu để đáp ứng nhu cầu về vật liệu đất, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2022.

Dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn thiếu 0,27 triệu m3 chủ yếu nằm ở hai gói thầu XL5 và XL6 trên địa bàn Thừa Thiên - Huế. Trong đó, lượng đất thiếu tại gói thầu XL5 được bố trí lấy từ mỏ Động Đá, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt trữ lượng, dự kiến cuối tháng 3/2022 sẽ đưa vào khai thác.

Gói thầu XL6 lấy từ mỏ Hiền Sỹ, địa phương đã phê duyệt bổ sung diện tích, dự kiến tháng 4/2022 sẽ đưa vào khai thác.

Đối với dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm, lượng đất đắp còn thiếu 0,8 triệu m3 (địa bàn Khánh Hòa). Hiện, doanh nghiệp dự án đang phối hợp với địa phương hoàn thiện các thủ tục để cấp phép hai mỏ (tại xã Suối Tân và xã Cam An Bắc), dự kiến hoàn thành các thủ tục cấp phép trong tháng 3/2022. Dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo thiếu 2,3 triệu m3 (Ninh Thuận 2 triệu m3 và Bình Thuận 0,3 triệu m3).

UBND tỉnh Ninh Thuận đã thống nhất bổ sung hai mỏ Phước Hữu và Phước Vinh với trữ lượng khoảng 2 triệu m3; còn 0,3 triệu m3 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, doanh nghiệp dự án đang làm việc với địa phương đề xuất cho phép tận dụng từ nguồn cải tạo, hạ cao độ đất nông nghiệp của dân. Dự kiến khối lượng vật liệu thiếu sẽ được xử lý trong tháng 3/2022.

"Trong khi đó, dự án thành phần Vĩnh Hảo - Phan Thiết còn thiếu 2,46 triệu m3 (tỉnh Bình Thuận). Dự kiến, đến hết tháng 3/2022, địa phương sẽ cấp phép khai thác 4 mỏ với trữ lượng 1,7 triệu m3. Với khối lượng vật liệu thiếu còn lại khoảng 0,7 triệu m3 sẽ sử dụng nguồn từ hai mỏ mới bổ sung quy hoạch vào tháng 2/2022. Hiện địa phương đang thực hiện thủ tục cấp phép, phấn đấu hoàn thành trong tháng 3/2022", Bộ Giao thông Vận tải thông tin.

Theo thông tin mới nhất liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn về nguồn đất đắp tại các dự án cao tốc qua tỉnh Bình Thuận, sáng 28/3, bà Phan Thị Xuân Thu - Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho hay, UBND tỉnh đã có quyết định chấp thuận cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho hai mỏ đất phục vụ thi công tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận cho nhà thầu tại gói thầu XL04 (dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết) được phép khai thác mỏ Hàm Cần, thuộc xã Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam), trữ lượng hơn 120.000 m3. Cấp phép cho Tổng công ty Công trình giao thông 8 - CTCP khai thác khoáng sản vật liệu san lấp khai thác mỏ sỏi dăm Hòn Lúp, (huyện Bắc Bình) với trữ lượng 702.868 m3 cũng thuộc dự án này.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trưởng tỉnh Bình Thuận, thủ tục cấp phép cho Công ty cổ phần Hải Đăng khai thác một mỏ trữ lượng 370.000 m3 vật liệu san lấp, lộ trình được cấp phép sẽ hoàn tất trong tháng 3 này.

Như vậy so với nhu cầu 9,2 triệu m3 đất, với việc 3 mỏ đất chuẩn bị đưa vào khai thác và 2 mỏ khoáng sản ở Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc) sẽ cơ bản giải quyết xong nguồn vật liệu đất đắp phục vụ thi công cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Tuy nhiên, một nhà thầu thi công cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết, sau khi có được giấy phép khai thác, chủ đầu tư mỏ đất (nhà thầu) còn phải thực hiện hàng loạt thủ tục. Thủ tục hiện hành cấp phép một mỏ đất là 13 bước, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản thuộc bước thứ 10, trong mỗi bước phải hoàn thiện thêm nhiều thủ tục, hồ sơ. Để chính thức lấy đất ra khỏi mỏ đưa đến công trường còn phải mất nhiều ngày.

"Mỏ Sông Khiêng (huyện Bắc Bình) dù đã cấp giấy phép từ đầu tháng 3 nhưng nay đã gần hết 1 tháng hiện vẫn chưa xong thủ tục để lấy đất ra khỏi mỏ phục vụ thi công cao tốc", vị đại diện nhà thầu cho hay.

Về vấn để giải quyết nhanh chóng khó khăn nguồn đất đắp cho các dự án cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2017-2020), trao đổi với phóng viên TTXVN, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, hàng tuần lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đều làm việc với lãnh đạo cấp cao của các nhà thầu thi công dự án để yêu cầu ký cam kết hoàn thành các gói thầu đúng tiến độ;

Huy động tối đa mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công bù đắp khối lượng chậm tiến độ đảm bảo hoàn thành các gói thầu, dự án đúng tiến độ cam kết; kiên quyết có biện pháp xử lý đối với các nhà thầu vi phạm tiến độ (cắt chuyển khối lượng, bổ sung thầu phụ, xem xét không cho tham gia các dự án do Bộ quản lý trong thời gian tới...).

Theo kế hoạch, tổng nhu cầu về vật liệu đất đắp nền đường tại Dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 ước khoảng 72 triệu m3. Trong đó, khối lượng vật liệu đất được tận dụng (điều phối) từ nền đào khoảng 18,5 triệu m3. Khối lượng vật liệu đất đắp nền đường có nhu cầu lấy từ các mỏ đất (khối lượng sau điều phối) khoảng 53,5 triệu m3./

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục