GDP quý I có dấu hiệu chững lại

17:53' - 25/03/2016
BNEWS GDP quý I/2016 đạt 5,46% và có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,9% của năm 2011; chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2012, 2013 và 2014 trong giai đoạn 2011-2015.
GDP quý I có dấu hiệu chững lại. Ảnh:TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu GDP, lao động và việc làm quý I/2016 chiều 25/3 tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết, quý I/2016 là quý khởi đầu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Kết quả hoạt động của quý này sẽ tạo động lực và khích lệ cho toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh các dự báo kinh tế Việt Nam đều có dấu hiệu khả quan.

Nhưng, GDP quý I/2016 đạt 5,46% và có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,9% của năm 2011; chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2012, 2013 và 2014 trong giai đoạn 2011-2015.

Giải thích nguyên nhân, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm chỉ đạt 98,77% so cùng kỳ năm trước, thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.

Quy mô nông nghiệp hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong khu vực I (khoảng trên 70%), do ước sản lượng lúa của Đồng bằng sông Cửu Long giảm 6,2% (khoảng 700.000 tấn) so cùng kỳ năm trước và sản lượng cây trồng vụ Đông ở miền Bắc đạt thấp.

Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng, giá trị tăng thêm tăng 6,72% so cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn cùng kỳ 2013 và 2014 trong giai đoạn 2011-2015, nhưng thấp hơn nhiều mức tăng 8,74% cùng kỳ năm 2015.

Cùng với những khó khăn của tình hình kinh tế thế giới, hoạt động xuất, nhập khẩu cũng khá trầm lắng với xu hướng xuất siêu trở lại, trị giá nhập khẩu hàng hóa giảm mạnh (-4,8%) so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm -5,7%, khu vực kinh tế trong nước giảm -3,5%.

Chủ yếu giảm ở các sản phẩm máy móc, thiết bị… có giá trị cao -14%, sản phẩm từ dầu mỏ -41,6%... Xuất khẩu tăng chậm, giá trị xuất khẩu hàng hóa chỉ tăng 4,1%; trong đó, xuất khẩu dầu thô là nguồn thu chính của ngân sách nhà nước giảm -52,8%, các mặt hàng gia công chủ yếu của Việt Nam chỉ tăng nhẹ.

Trái lại, một số ngành trong quý I/2016 có mức tăng trưởng cao như: ngành xây dựng 3 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 9,94% cao nhất kể từ năm 2010 trở lại.

Hầu hết vốn đầu tư từ các nguồn vốn đều tăng tốt. Cụ thể, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn vay của khu vực nhà nước được triển khai thực hiện khá tốt với mức tăng 11,5% và 12,9%; vốn đầu tư thực hiện từ dân cư và đầu tư nước ngoài cũng tăng trên 13%; vốn tự có của doanh nghiệp nhà nước cũng tăng 7%. Tuy nhiên, vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ lại giảm -3,6%, chỉ đạt 96,4% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực dịch vụ, giá trị tăng thêm tăng 6,13% so cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ quý I năm 2012 tới nay. Các hoạt động dịch vụ không kinh doanh vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng xoay quanh 7%, không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm 2015…

CPI tháng 3/2016 tăng 0,57% so với tháng 2 và tăng 1,69% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, CPI bình quân quý I/2016 tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, trước những kết quả đạt được trong quý I/2016, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhận định, các quý còn lại của năm 2016, nền kinh tế Việt Nam sẽ có những khó khăn và thách thức phải đối mặt, đó là: tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn và diễn biến thời tiết thất thường không thuận lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản.

Bên cạnh đó, giá dầu thô biến động khó lường và ở mức thấp: nếu giá dầu thô gần đây có xu hướng tăng trở lại, song dự báo mức giá vẫn ở mức thấp sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế như thu ngân sách từ dầu thô và các khoản thu có liên quan sẽ giảm.

Giá dầu giảm giúp kinh tế trong nước phát triển. Ảnh:TTXVN

Tuy nhiên, giá dầu giảm giúp kinh tế trong nước phát triển, giảm chi phí đầu vào của hầu hết các ngành kinh tế, làm tăng giá trị gia tăng nói riêng và GDP nói chung, từ đó các khoản thu từ sản xuất trong nước tăng sẽ bù đắp phần thiếu hụt từ thu từ dầu thô.

Để đạt được mục tiêu GDP tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, một trong những giải pháp được ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê đưa ra là ngành nông nghiệp cần có những giải pháp quyết liệt để chống hạn hán và xâm nhập mặn.

Theo ông Tuyến, giá dầu thô đang đạt khoảng 40 USD/thùng, mức này đã vượt qua thoát đáy. Nếu như giá dầu tăng cũng là điều kiện tốt đối với ngành dầu khí. Mặc dù, ngành dầu khí vẫn có tăng trưởng âm trong khai thác nhưng đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế cuối năm.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có những chỉ đạo quyết liệt đối với các chính sách về nhập khẩu nguyên vật liệu nhằm phát triển sản xuất đặc biệt, đối với sản xuất của ngành chế biến, chế tạo. Đối với khu vực dịch vụ cũng cần giữ được đà tăng trưởng như trong quý I.

"Nhìn chung, tình hình kinh tế các tháng còn lại của năm 2016 sẽ có khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Chính phủ, các cấp các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội phải chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành để vượt qua khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua. "- Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục