Giá cà phê tiếp tục phục hồi với mức tăng nhẹ

18:37' - 18/10/2020
BNEWS Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 17/10 dao động trong khung 31.500 – 32.000 đồng/kg, tăng 100 - 200 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Tuần qua (ngày 12/10 đến 17/10), giá lúa ở một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long tương đương so với tuần trước, tuy nhiên, giá gạo nguyên liệu và thành phẩm xuất khẩu tăng nhẹ. Bên cạnh đó, giá cà phê tiếp tục phục hồi với mức tăng nhẹ.

Thị trường nông sản trong nước

Giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long tiếp tục duy trì ổn định. Tuy nhiên, giá gạo nguyên liệu và thành phẩm xuất khẩu tăng nhẹ. Gạo nguyên liệu IR 50404 Hè Thu ở mức 9.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; loại gạo thành phẩm IR 50404 Hè Thu 10.300 đồng/kg tăng 100 đồng/kg; tấm ở mức 9.100 đồng/kg tăng 100 đồng, giá cám vàng ổn định ở 6.050 đồng/kg.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động tương đương so với tuần trước từ 5.900 - 6.050 đồng/kg; các loại lúa chất lượng cao cũng có giá ổn định, cụ thể Jasmine từ 6.100 - 6.300 đồng/kg, lúa OM từ 5.800 - 6.100 đồng/kg.

Các mặt hàng gạo tại thị trường An Giang không đổi so với tuần trước: gạo thường từ 10.000 -11.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine từ 14.500-15.500 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.200 đồng/kg; gạo nàng hoa 15.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 11.500 đồng/kg, gạo Nhật 23.000 đồng/kg…

Theo thương lái ở Đồng Tháp, lượng gạo nguyên liệu về vẫn ít, giao dịch tiếp tục ngưng trệ. Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua khiến việc thu hoạch của người dân gặp nhiều khó khăn.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Đỗ Minh Nhựt cho biết, do giá lúa thương phẩm năm nay khá cao, dự báo mùa lũ 2020 thấp nhất trong 10 năm qua nên nông dân ở nhiều địa phương trong tỉnh  Kiên Giang có điều kiện sản xuất thuận lợi đã gieo sạ vụ lúa Thu Đông vượt hơn 25% kế hoạch, đạt 90.123 ha.

Điều này vừa giúp tỉnh bù đắp phần nào sản lượng lương thực bị thiếu hụt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô gây hại sản xuất, vừa giúp nông dân có thêm thu nhập, tháo gỡ khó khăn, ổn định đời sống.

Bên cạnh đó, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch gần 57.000 ha lúa vụ này, năng suất bình quân 5,6 tấn/ha, với giá lúa thường thương lái mua tại ruộng 5.900 - 6.000 đồng/kg và lúa chất lượng cao 6.100 - 6.200 đồng/kg. Dự kiến sản lượng thu hoạch cuối vụ đạt 495.676 tấn, tăng hơn 32% so với kế hoạch.

Về xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trong tuần qua trước những triển vọng về số đơn hàng mới của Philippines, trong khi nhu cầu yếu hơn kéo giá gạo của Thái Lan giảm trong tuần thứ bảy liên tiếp.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam trong tuần này đã tăng lên 485-490 USD/tấn, so với mức 470 USD/tấn trong tuần trước đó. Theo một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trong thời gian gần đây khi các thương nhân mua gạo trước dự đoán về khả năng Chính phủ Philippines sẽ sớm đặt mua 300.000 tấn gạo của Việt Nam.

Tuy vậy, một thương nhân khác cho rằng nhu cầu yếu hơn đã khiến các hoạt động mua bán gạo tương đối “bình lặng” trong tuần này.

Theo Diễn đàn của người làm cà phê, sau khi hồi phục nhẹ vào tuần trước, tuần qua giá cà phê tiếp tục tăng nhẹ. Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 17/10 dao động trong khung 31.500 – 32.000 đồng/kg,  tăng 100 - 200  đồng/kg so với cuối tuần trước.

Tại cảng Tp. Hồ Chí Minh, giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.426 USD/tấn, với mức chênh lệch cộng 100 – 120 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 3/2021 tại London.

Thị trường nông sản thế giới

Trên thị trường gạo châu Á, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm tuần thứ bảy liên tiếp, xuống mức 445-480 USD/tấn, từ mức 470-475 USD/tấn trong tuần trước đó.

Các thương nhân ở Bangkok (Thái Lan) cho rằng mức sụt giảm này chủ yếu do nhu cầu thấp kéo dài trong khi dự kiến thị trường gạo sẽ tiếp nhận nguồn cung mới vào cuối tháng Mười này.

Trong khi đó, nước xuất khẩu gạo hàng đầu là Ấn Độ ghi nhận giá gạo đồ 5% trong tuần này vẫn ở mức 376-382 USD/tấn, thậm chí khi lượng mưa lớn ở các bang miền Nam Ấn Độ đã ảnh hưởng tới hoạt động canh tác.

Theo một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh ở miền Nam Ấn Độ, ở nhiều khu vực duyên hải, hoạt động canh tác bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thời tiết không thuận lợi.

Về thị trường nông sản kỳ hạn Mỹ, kết thúc phiên giao dịch 16/10, tại Sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn biến động trái chiều, trong đó giá ngô và đậu tương giảm, còn giá lúa mỳ tăng.

Giá ngô giao tháng 12/2020 giảm 1,75 xu Mỹ (tương đương 0,43%) xuống còn 4,02 USD/bushel, trong khi giá đậu tương giao tháng 11/2020 giảm 12,25 xu Mỹ (1,15%) xuống còn 10,5 USD/bushel. Ngược lại, giá lúa mỳ giao tháng 12/2020 tăng 7 xu Mỹ (1,13%) lên 6,2525 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Theo công ty nghiên cứu AgResource, giá lúa mỳ tăng cao trong khi giá đậu tương giảm do Trung Quốc chưa “chốt” các đơn hàng mới. Trong khi đó, mưa lớn ở các khu vực trồng lúa mỳ ở Nga cũng đang hỗ trợ giá lúa mỳ.

Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo 175.000 tấn đậu tương Mỹ đã được xuất khẩu cho một khách hàng không công bố danh tính, trong khi 128.000 tấn ngô Mỹ được xuất khẩu tới Mexico.

Trong tuần này, xuất khẩu đậu tương của Mỹ đạt 96,7 triệu bushel, xuất khẩu lúa mỳ đạt 19,4 triệu bushel và xuất khẩu đậu tương đạt 25,8 triệu bushel.

Trong khi đó, theo các dự đoán, Brazil sẽ cho phép nhập khẩu ngô và đậu tương mà không áp mức thuế quan 8% khi giá ngô và đậu tương ở nước này đã tăng lên các mức cao kỷ lục.

Về thị trường cà phê, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2020 tại Brazil giảm 0,15 xu Mỹ (0,1%) xuống còn 1,0900 USD/lb (1 lb = 0,454 kg), nối tiếp đà giảm của phiên giao dịch trước đó.

Theo công ty dự báo thời tiết Maxar, khu vực trồng cà phê ở Brazil sẽ có mưa trong 6-10 ngày tới, qua đó làm giảm bớt những quan ngại về triển vọng sản lượng cà phê niên vụ 2020-2021 ở Brazil – nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới. Trong khi đó, giá cà phê robusta giao tháng 11/2020 giảm 11 USD (0,9%) xuống 1.222 USD/tấn.

Trong khi đó, giá đường thô tại Brazil tăng 0,10 xu Mỹ (0,7%) lên 13,94 xu Mỹ/lb, sau khi đã đạt mức cao nhất trong 7,5 tháng qua là 14,55 xu Mỹ/lb trong phiên giao dịch trước đó. Dự báo mưa kéo dài trong 6-10 ngày tới tại Brazil – một quốc gia sản xuất đường lớn trên thế giới – đã giảm bớt quan ngại về triển vọng sản lượng đường niên vụ 2020-2021.

Tuy nhiên, thị trường vẫn chịu ảnh hưởng từ hoạt động xuất khẩu đường từ Ấn Độ. Ấn Độ hiện chưa thông báo về mức trợ giá đối với đường xuất khẩu trong niên vụ hiện nay, khi các cuộc thảo luận về vấn đề này được hoãn tới tới đầu tháng 11/2020./.

>>Xuất khẩu nông sản trong 9 tháng năm 2020 đạt trên 30 tỷ USD

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục