Giá dầu châu Á chiều 4/7 tăng trước lo ngại về nguồn cung

16:01' - 04/07/2022
BNEWS Giá dầu đảo chiều đi lên chiều 4/7 tại châu Á, khi những lo ngại về nguồn cung do sản lượng của OPEC giảm, bất ổn ở Libya và các lệnh trừng phạt với Nga đã lấn át lo ngại về khả năng suy thoái.
Vào đầu giờ chiều nay, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Chín tăng 55 xu Mỹ, hay 0,5%, lên 112,18 USD/thùng, sau khi có thời điểm giảm hơn 1 USD. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Tám tăng 44 xu Mỹ, hay 0,4%, lên 108,87 USD/thùng, sau khi cũng có thời điểm giảm 1 USD trước đó.
Khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) cho thấy sản lượng dầu từ 10 nước thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giảm 100.000 thùng/ngày trong tháng Sáu xuống còn 28,52 triệu thùng/ngày, trái ngược với mức tăng cam kết khoảng 275.000 thùng/ngày.
Các chuyên gia của công ty nghiên cứu ANZ Research (Australia) cho biết sự sụt giảm sản lượng dầu ở Nigeria và Libya đã lấn át sự gia tăng ở Saudi Arabia và các nước sản xuất dầu lớn khác, trong khi Libya còn đang đối mặt với khả năng gián đoạn nguồn cung hơn nữa do bất ổn chính trị gia tăng. Tình hình này khiến cho OPEC khó có thể đạt được hạn ngạch sản lượng mới được tăng lên gần đây.
Tập đoàn dầu quốc gia của Libya tuần trước cho biết lượng dầu xuất khẩu của nước này đã giảm khoảng 865.000 thùng/ngày so với mức bình thường xuống còn 365.000-409.000 thùng/ngày.
Bên cạnh đó, cuộc biểu tình theo kế hoạch của những người lao động trong lĩnh vực dầu khí ở Na Uy trong tuần này có thể khiến sản lượng dầu và khí ngưng tụ của nước này giảm 130.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, chuyên gia Tina Teng của sàn giao dịch hàng hóa, ngoại hối CMC Markets (Vương quốc Anh) cho rằng đà tăng của giá dầu đang phần nào bị giới hạn bởi những lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu. Bà cho biết: “Lãi suất tăng và niềm tin tiêu dùng giảm mạnh đã phủ bóng lên triển vọng nhu cầu nhiên liệu, trong khi số liệu cho thấy năng lực lọc dầu của Mỹ đã gia tăng”.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, một đồng USD cũng đang ảnh hưởng đến các thị trường hàng hóa nói chung và dầu thô nói riêng, vì “đồng bạc xanh” tăng giá sẽ khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục