Giá dầu châu Á đi xuống phiên 2/12

16:37' - 02/12/2020
BNEWS Trong phiên giao dịch chiều ngày 2/12, giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống, cho dù biên độ giảm đã được thu hẹp so với đầu phiên.

Trong phiên giao dịch chiều ngày 2/12, giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống, cho dù biên độ giảm đã được thu hẹp so với đầu phiên, sau khi xuất hiện thông tin cho hay Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên cho phép đưa vào sử dụng vắc-xin ngừa COVID-19 từ đầu tuần tới.

Chiều phiên này, tại sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 14 xu Mỹ (0,1%), xuống 44,41 USD/ounce. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn lùi 8 xu (0,2%), xuống 47,34 USD/ounce.

Giá dầu giảm ngay từ đầu phiên này, khi lượng dầu dự trữ của Mỹ bất ngờ tăng mạnh trong tuần trước, còn Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh của nhóm này, hay còn gọi là nhóm OPEC+ đẩy thị trường vào trạng thái phân vân khi quyết định hoãn các cuộc họp về chính sách sản xuất dầu cho năm 2021 sang ngày 3/12 do các nước thành viên chủ chốt vẫn còn nhiều bất đồng giữa lúc nhu cầu dầu suy yếu trước tác động của đại dịch COVID-19. Bởi vậy, câu hỏi liệu OPEC+ có tăng sản lượng vào tháng 1/2021 vẫn chưa được giải đáp.

Báo cáo từ Cơ quan Dầu khí quốc gia Mỹ (API) cho hay, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc ngày 27/11 đã tăng 4,1 triệu thùng, vượt mức dự báo của các chuyên gia phân tích tham gia khảo sát của Reuters là tăng 2,4 triệu thùng. Dữ liệu này được công bố sau khi OPEC+ tuyên bố trì hoãn cuộc họp chính sách.

Đầu năm nay, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng đi 7,7 triệu thùng/ngày, giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm mạnh.

Ngân hàng ANZ cho biết, lượng dầu dư thừa trên thị trường có thể lên tới 1,5-3 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm tới, nếu OPEC không gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Tuy nhiên, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) trong tuần này cho biết, mặc dù nước này có thể ủng hộ việc tiếp tục cắt giảm sản lượng, song sẽ phải chật vật để tiếp tục cắt giảm mức sản lượng tương tự vào năm 2021. Trong khi đó, việc thắt chặt sản lượng dầu của Na Uy, quốc gia không phải thành viên của OPEC +, bắt đầu từ tháng 6/2020 sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2020. Điều này có thể khiến giá dầu giảm sâu hơn./.

Minh Trang (Theo Reuters)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục